Hành trình thua lỗ ngàn tỷ của TGĐ PVtex Vũ Đình Duy
Trong những ngày cuối tuần, thông tin ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVtex) đã vắng mặt nhiều ngày qua mà không được sự chấp thuận từ lãnh đạo khiến dư luận xôn xao. Điều dư luận quan tâm chính là PVtex đã đầu tư 7.000 tỷ đồng cho dự án “đầu tay” nhưng thua lỗ tới 3.000 tỷ.
Ông Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ PVTEX đã vắng mặt nhiều ngày qua tại Vinachem, xin nghỉ đi chữa bệnh nước ngoài. |
Xuất hiện sau PVC nhưng khoản lỗ của PVtex không thua kém PVC nhiều. PVtex thành lập vào tháng 3/2008 trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
PVtex gắn liền với tên tuổi của PVN và Vinatex nhưng ít ai biết PVtex có tới 23 cổ đông tham gia góp vốn điều lệ. Trong đó có 5 cổ đông sáng lập gồm PVN (14%), Vinatex (14%), Tổng công ty cổ phần Phong Phú (5%), Công ty CP Tài chính Dầu khí (10%) và Công ty cổ phần Kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam (5%). Vốn điều lệ của công ty lúc thành lập là 160 tỷ đồng.
Tới nay, sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của PVtex đạt tới 2.165,11 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng thay đổi. Dù là công ty trực tiếp liên quan tới ngành xơ sợi nhưng Vinatex lại sớm rút khỏi PVtex. Thay vào đó, PVN đã trở thành cổ đông lớn nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ của PVN tại PVtex lại có nhiều điểm không thống nhất.
Theo báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất do PVN công bố, tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nắm giữ vốn của PVN tại PVtex là 74%. Nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của PVN, tỷ lệ này là 89,96%.
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ là “sản phẩm” đầu tiên của PVtex. Đây là dự án khủng “ngốn” tới 7.000 tỷ đồng trong khi vốn ban đầu của PVtex chỉ là 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay từ khi mới triển khai dự án, PVtex đã nhận được những sự đánh giá không lạc quan từ giới chuyên gia.
Năm 2008, PVtex thua lỗ 74 tỷ đồng. Con số này không nói lên nhiều điều vì không có nhiều doanh nghiệp lãi ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Tới năm 2009, tình hình khả quan hơn khi PVtex báo lãi 15 tỷ đồng.
Tính tới nay, 2009 là năm duy nhất PVtex công bố công khai báo cáo tài chính trên website. Trong các Hội nghị Tổng kết năm, PVtex cũng chỉ thông báo hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn và sẽ cố gắng khắc phục, chứ không nêu rõ các khoản thua lỗ cụ thể trước công chúng.
Ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy của PVtex liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng hoạt động. Ảnh: Minh Khang |
Nhưng tình hình yếu kém của PVtex sớm lộ diện. Ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy của PVtex liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng hoạt động. Khi đi vào hoạt động năm 2014, chỉ vận hành khoảng 7 tháng nhà máy lỗ hơn 1.085 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, theo báo cáo tổng kết năm 2015 của PVN, do ảnh hưởng giá dầu thế giới giảm nhanh và sâu làm cho thị trường xơ sợi gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ, đặc biệt giá bán sản phẩm xuống thấp bất thường, PVtex đã dừng sản xuất 3 đợt để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn. Nhà máy dừng vận hành từ ngày 17/9/2015.
PVN ước tính năm 2015, PVtex thua lỗ 1.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng.
PVtex đã đánh giá năm 2015 là một năm có nhiều khó khăn đối với PVtex. Một trong những khó khăn chính đó là giá dầu thô, giá bông giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua; giá bán sản phẩm của PVtex trung bình năm thấp hơn giá thị trường 20 USD, doanh thu không bù đủ chi phí nên PVtex luôn ở trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động cho SXKD; tỷ giá VNĐ/USD biến động mạnh làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào của PVtex và chi phí vận tải quốc tế; cộng thêm việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu xơ sợi thế giới…
Sang năm 2016, tình hình còn thê thảm hơn. Theo Tiền phong, Báo cáo mới nhất của PVtex gửi PVN cho thấy nguồn vốn chủ sở hữu của PVtex ngày càng sụt giảm do lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến 30/6/2016, vốn chủ sở hữu đã bị âm 823,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế của nhà máy đã hơn 3.008 tỷ đồng.
Hiện tại, các bên liên quan đang nỗ lực vực dậy nhà máy. Về kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Tổng Giám đốc Đào Văn Ngọc nhấn mạnh PVtex sẽ nhanh chóng đưa Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ vận hành trở lại.
Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực đưa PVtex ra khỏi khó khăn về sản xuất kinh doanh, đạt doanh thu bù đủ biến phí và một phần định phí; ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; từng bước lấy lấy lại thị phần và nâng dần giá bán ngang bằng với các sản phẩm có chất lượng trên cùng phân khúc; bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngày 25/5/2016, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại PVtex về phương án vận hành lại nhà máy sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ.
Ông Sơn cho biết, đây sẽ là lần chạy lại máy cuối cùng, vì vậy không được phép mắc sai lầm và không được phép dừng lại một lần nữa. Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ để nhà máy sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ vận hành trở lại./.