Hàng loạt công ty ồ ạt rời đi, Trung Quốc “trải thảm đỏ” giữ chân
Các công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điều hòa nhiệt độ tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Cuộc nghiên cứu của báo Nikkei (Nhật Bản) cho biết một năm sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hơn 50 công ty toàn cầu, bao gồm Apple và Nintendo, đã thông báo hoặc đang cân nhắc kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Không chỉ các công ty nước ngoài, ngay cả các hãng sản xuất Trung Quốc, cùng các hãng sản xuất từ Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, cũng tham gia vào làn sóng rời khỏi Trung Quốc, trong đó có các hãng sản xuất máy tính cá nhân, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
“Chúng tôi cần các biện pháp lâu dài để tránh rủi ro của thuế quan và đủ điều kiện để thực hiện các hợp đồng mua bán với chính phủ Mỹ”, Kiyofumi Kakudo, giám đốc điều hành của hãng sản xuất máy tính Dynabook, cho biết.
Dynabook, công ty con của Sharp, đang cân nhắc kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất máy tính tới một nhà máy mới đang được xây dựng tại Việt Nam. Dynabook hiện sản xuất phần lớn máy tính tại Trung Quốc, chủ yếu tại một nhà máy ở Hàng Châu, cách Thượng Hải 175km về phía tây nam.
“Mặc dù đợt áp thuế thứ tư của Mỹ đã tạm dừng, nhưng chúng tôi không thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cũng như khi nào chuyện đó sẽ xảy ra”, Kakudo cho biết.
Hãng Apple đã kêu gọi các nhà cung ứng chính cân nhắc chuyển 15-30% dây chuyền sản xuất điện thoại iPhone ra khỏi Trung Quốc. Nikkei ngày 17/7 đưa tin Apple đang chuẩn bị để bắt đầu sản xuất thử nghiệm dòng tai nghe không dây AirPod được ưa chuộng của hãng tại Việt Nam. Những cuộc thử nghiệm như vậy là dấu hiệu báo trước khả năng sản xuất hàng loạt của dòng sản phẩm này.
Hai hãng sản xuất máy tính HP và Dell của Mỹ cũng đang cân nhắc chuyển 30% dây chuyền sản xuất máy tính tại Trung Quốc sang Đông Nam Á và các nước khác. Hãng trò chơi điện tử Nintendo của Nhật Bản cũng chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Có ý kiến lo ngại rằng việc các công ty nước ngoài rời đi có thể khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và siết chặt lượng tiêu thụ tại Trung Quốc. Để giảm thiểu tác động của tình trạng này tới mức thấp nhất, Bắc Kinh đã “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Nỗ lực của Trung Quốc
Tesla, hãng sản xuất xe điện Mỹ, đang trở thành mục tiêu hàng đầu trong nỗ lực “giữ chân” của chính phủ Trung Quốc. Công ty này đã chuyển thiết bị sang một nhà máy mới được Tesla xây dựng ở ngoại ô Thượng Hải cách đây nửa năm. Tesla cũng tuyển thêm công nhân cho dây chuyền sản xuất mới, dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng sau.
Chính quyền địa phương tại Trung Quốc được cho là đã chiết khấu giá thuê đất ưu đãi cho Tesla, đồng thời công ty này cũng được tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ.
Trung Quốc hồi cuối tháng 6 thông báo sẽ nới lỏng các rào cản đối với hoạt động đầu tư từ nước ngoài trong 7 lĩnh vực, bao gồm dầu và khí đốt. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nỗ lực xúc tiến các kế hoạch mở cửa cho lĩnh vực tài chính.
Hiện vẫn chưa rõ liệu nỗ lực của Trung Quốc trong việc giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài có thể bù đắp những thiệt hại do chiến tranh thương mại hay không.
Tại nhà máy chính của UE Furniture, cách Thượng Hải 200 km về phía tây, các nhân viên của công ty bắt đầu rời khỏi tòa nhà từ lúc 16h30 chiều.
“Chúng tôi không còn làm ngoài giờ nữa vì thuế quan”, một nhân viên cho biết.
UE Furniture đã quyết định thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để tránh đòn áp thuế của Mỹ. Công ty này cho đến nay dường như vẫn chưa cắt giảm nhân sự tại Trung Quốc, song thu nhập của nhiều lao động cũng giảm đi do số giờ làm ít hơn.
Do lo ngại viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại kéo dài, nhiều công ty đã thực hiện chính sách “nước đôi”. Trong khi tìm kiếm các địa điểm khác để thiết lập dây chuyền sản xuất mới, nhiều công ty vẫn giữ nhà máy tại Trung Quốc để sản xuất cho thị trường nội địa Trung Quốc.
Nhiều hãng sản xuất buộc phải xây dựng hai chuỗi cung ứng song song: một cho Trung Quốc và một cho các thị trường khác, từ đó khiến chi phi tăng lên và ảnh hưởng tới lợi nhuận.
“Khả năng thị trường thế giới chia thành Trung Quốc và ngoài Trung Quốc đang tăng lên”, Yuji Miura, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, nhận định.
Ngoài chi phí cao hơn, các công ty cũng phải đương đầu với công suất hoạt động lớn hơn trong một nền kinh tế bị tách đôi. Không chỉ quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc bị chia tách, mà nền kinh tế của cả thế giới cũng có khả năng chia thành hai phe đối đầu nhau.
Quanta Computer, nhà thầu sản xuất máy tính của Đài Loan, bao gồm máy tính MacBook của Apple, tính chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đại lục tới Đài Loan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Quanta Computer với các công ty khách hàng về chi phí chuyển địa điểm gặp khó khăn.
Trong khi đó, một hãng sản xuất máy móc Nhật Bản đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang một nước Đông Nam Á, tuy nhiên hãng cũng gặp một số khó khăn.
“Vì địa điểm mới không có chuỗi cung ứng rộng khắp như tại Trung Quốc, nên chúng tôi hoặc phải chuyển các bộ phận từ Trung Quốc sang hoặc phải thiết lập một mạng lưới cung ứng mới. Trong cả hai trường hợp, chi phí đều tăng lên”, giám đốc điều hành của công ty Nhật Bản cho biết.
Một số hãng đã tính tới phương án chuyển hoạt động sản xuất về quê nhà để tận dụng các mạng lưới hiện thời cho việc xuất khẩu. Công ty thiết bị xây dựng Komatsu (Nhật Bản) cũng chuyển một phần hoạt động sản xuất về Nhật Bản và Mỹ. Các công ty cũng tìm cách nâng cao năng suất tại các nhà máy bằng việc thúc đẩy số hóa và tự động hóa.
Không chỉ các công ty nước ngoài tính đến việc rời khỏi Trung Quốc, mà ngay cả doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang đi theo xu thế này. Hãng sản xuất hàng điện tử TCL của Trung Quốc sẽ mở một nhà máy sản xuất tivi tại Việt Nam.
Kể từ tháng 7 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã áp 3 đợt thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị hàng hóa bị áp thuế lên tới 250 tỷ USD. Mặc dù đợt áp thuế thứ 4, trong đó nhắm mục tiêu tới toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đã tạm dừng, song các công ty vẫn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.