UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục ban hành công điện khẩn, yêu cầu các quận huyện, các sở, ban, ngành và đơn vị trên địa bàn thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão số 6.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng cũng đã kiểm đếm, thông báo cho 2.700 phương tiện tàu thuyền, gần 800 lồng bè, chòi canh trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

hai phong quang ninh lang son gap rut chuan bi ung pho bao so 6
Các địa phương đang khẩn trương kiểm đếm tàu thuyền ngoài khơi. (Ảnh: KT)

Đến 10h sáng nay (16/9), gần 2.400 phương tiện đã về neo đậu tại các nơi tránh trú an toàn; trong đó có gần 300 phương tiện của người dân các tỉnh thành khác.

Quận Đồ Sơn cũng đã kêu gọi hơn 200 phương tiện và 9 chòi nuôi ngao về nơi neo đậu, trú bão; xây dựng phương án sơ tán tại chỗ hơn 1.800 người, sơ tán khỏi địa bàn gần 500 người.

Tại huyện Bạch Long Vĩ, hiện trong âu cảng không còn phương tiện neo đậu. Huyện Cát Hải đã ban hành lệnh cấm biển từ 8h sáng nay. Đến thời điểm này, gần 900 phương tiện tàu thuyền của nhân dân trong huyện và hơn 200 phương tiện của lao động các địa phương khác đã neo đậu an toàn.

Các quận huyện, các sở, ngành và lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã sẵn sàng huy động hơn 42.000 người, gần 1.500 xe ô tô các loại cùng, 4 xe thiết giáp, cùng nhiều phương tiện, vật tư xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bão vào.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo ngày 17/9 (thứ Hai), cho học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh nghỉ học, hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và tập trung phòng chống bão.

Các ngày tiếp theo, Trưởng phòng GD-ĐT, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thông báo cụ thể, chi tiết, đầy đủ đến cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh biết về việc nghỉ học, hoãn tổ chức các hoạt động. Trường hợp học sinh không nhận được thông báo nghỉ học mà vẫn đến trường hoặc khi hết giờ học có gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt… thủ trưởng cơ sở giáo dục phải có phương án quản lý học sinh tại trường, chỉ cho học sinh về nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh trên đường về nhà.

Xác định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

Huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi các vị trí đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ sạt lở lớn, lũ quét; rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó.

Ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: "UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Ban chỉ huy tìm kiếm thiên tai cứu nạn cấp xã và các cơ quan ban ngành của huyện có liên quan tổ chức trực ban 24/24h; chủ động tuyên truyền cho bà con nhân dân biện pháp để chủ động phòng chống thiên tai. Với phương châm phòng là chính, chúng tôi cũng đã tuyên truyền vận động, với phương châm 4 tại chỗ để nhằm giảm thiệt hại thấp nhất với cơn bão".

Tại các khu vực biên giới, lực lượng biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét để cảnh báo, triển khai các biện pháp sơ tán kịp thời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động rà soát tình hình sạt lở đường biên, mốc biên giới để triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường phối hợp, chủ động bố trí lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Còn theo Thượng tá Đặng Văn Tuyến, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Lạng Sơn, Ban chỉ huy quân sự thành phố đã quán triệt cho cán bộ chiến sĩ nắm được tình hình diễn biến của bão; Tổ chức phân công lực lượng, phụ trách địa bàn để kịp thời nắm chắc tình hình xảy ra trên địa bàn, tổ chức phân công lực lượng trực theo quy định và chuẩn bị các phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 6.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được dự báo lượng mưa rất cao từ 150 - 300mm. Do vậy người dân cần chủ động theo dõi diễn biến của mưa lũ và tuân thủ các biện pháp ứng phó với bão để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.