Giữ học phí phổ thông - Chính sách hướng đến tạo cơ hội tiếp cận giáo dục
Theo Nghị định số 97, ở bậc học mầm non và phổ thông công lập mức thu học phí năm học 2023-2024 giữ ổn định, bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 theo quy định của HĐND các tỉnh. |
Theo Nghị định số 97, ở bậc học mầm non và phổ thông công lập mức thu học phí năm học 2023-2024 giữ ổn định, bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 theo quy định của HĐND các tỉnh. Mức trần học phí với các trường cũng tùy từng cấp học và khu vực. Nghị định cũng nêu rõ, với những nơi đã tăng học phí so với năm học 2021-2022, ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Trường hợp ngân sách địa phương không đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm học 2021-2022 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định của Nghị định này. Cùng với đó, các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 năm 2021 cũng vẫn tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.
Ông Đoàn Ngọc Cường, phụ huynh học sinh, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên chia sẻ: "3 năm vừa qua có dịch bệnh, vấn đề tài chính đối với chúng tôi rất khó khăn. Nếu cứ đà tăng theo lộ trình thì sẽ rất khó khăn. Khi có Nghị định số 97 chúng tôi rất vui mừng".
Chị Nguyễn Thùy Liên, phụ huynh học sinh, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên cho hay: "Nghị định 97 ban hành đã tạo cho chúng tôi niềm tin, có thể bố trí tài chính của gia đình để ổn định kinh tế".
Theo Nghị định số 97, ở bậc học mầm non và phổ thông công lập mức thu học phí năm học 2023-2024 giữ ổn định, bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 theo quy định của HĐND các tỉnh. |
Nghị định số 97 được ban hành khi học kỳ 1 năm học 2023-2024 đã kết thúc. Trong khi đó, HĐND nhiều tỉnh, thành phố trong đó có HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Nghị quyết số 16 quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024 do tỉnh quản lý. Tuy nhiên, Nghị định 97 được ban hành cũng đã phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay khi thu nhập của người dân còn thấp, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cô giáo Nguyễn Thị Út Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, TP Thái Nguyên cho hay: "Với việc không thay đổi học phí, chúng tôi có thể nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi và tăng tỷ lệ huy động đối với trẻ nhà trẻ ra lớp và sau đó chúng tôi có thể thực hiện xã hội hóa giáo dục".
Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên cho biết: "Thực hiện theo Nghị định 81 sẽ phải dùng ngân sách bên trên cấp về để bù lại học phí, sẽ khó khăn. Nghị định 97 ban hành nhà trường sẽ không gặp phải khó khăn đó, sẽ mang tính ổn định, học phí sẽ ổn định như năm học 2021-2022".
Cũng theo đại diện các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, việc giữ ổn định học phí bậc mầm non và phổ thông cũng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đồng thời, ngăn chặn tình trạng bỏ học, thất học của nhiều trẻ em, tạo cho trẻ cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Để thực hiện thu học phí năm học 2023-2024, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 16, theo đó, mức học phí sẽ được quy định theo khung học phí của Nghị định 81. Tuy nhiên, đối với người học chỉ phải nộp học phí theo mức học phí của năm học 2021-2022. Đến nay, Chính phủ ban hành Nghị định 97 thì Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh Thái Nguyên là rất phù hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh có hướng dẫn thực hiện Nghị định 97. Theo đó, người học chỉ nộp học phí theo mức học phí của năm học 2021-2022".
Nghị định 97 được xác định phù hợp trong bối cảnh hiện nay, là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực cho người học, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền đến người dân và phụ huynh về chính sách nhân văn này./.