Gìn giữ hệ giá trị không thể thay thế của gia đình Việt Nam
Văn hóa ứng xử trong gia đình, đặc biệt là trong các gia đình phi truyền thống càng cần được coi trọng

Những nghiên cứu, khảo sát gần đây nhất cho thấy, kiểu gia đình độc thân (một thành viên), đơn thân hay “đa văn hóa” đã hình thành và có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực đô thị… Tạo nên một mảng màu mới, đặc biệt nhưng vẫn luôn mang tính hài hoà cho bức tranh tổng thế, hướng tới những giá trị đẹp đẽ của gia đình Việt Nam hiện đại.

Gìn giữ hệ giá trị không thể thay thế của gia đình Việt Nam
Chị Hà Lê, Minh Cầu, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

Chị Hà Lê, Minh Cầu, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên: Từ ngày xưa đến ngày nay thì quan niệm mẹ đơn thân thường hay bị ý kiến của xã hội từ gia đình, bạn bè, những người xung quanh. Theo tôi nghĩ, xã hội hiện đại thời nay phụ nữ chúng tôi tự chủ về kinh tế, tôi nghĩ rằng việc mà ai cũng có quyền được lựa chọn cuộc sống của riêng mình, mình cứ sống sao để hạnh phúc nhất và chăm sóc con cái, gia đình của mình một cách tốt nhất. Cái điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất đó là xuất phát từ những điều nhỏ thôi, giống như tôi là một người mẹ đã thân thì hai mẹ con tôi cũng có thể đi du lịch với nhau hoặc là những tiếng cười ở trong bữa cơm, nó là những điều rất là nhỏ thôi nhưng mà khiến cho những người phụ nữ đơn thân như tôi cảm thấy rất là hạnh phúc.

Đó là những chia sẻ của Chị Lê Hà hiện đang là một người mẹ đơn thân. Với công việc kinh doanh tương đối ổn định, quyết định sống độc lập, và nuôi con trai… Khó khăn là điều chắc chắn nhưng chị Hà cũng như bao người mẹ đơn thân khác đã cố gắng vượt qua mọi định kiến để làm tốt vai trò của cả một người cha và một người mẹ với con, giúp con có một cuộc sống thật tốt.

Còn đối với gia đình Phương Thảo – Darren Carroll, sự khác biệt về văn hoá giữa hai đất nước Úc - Việt chắc chắn sẽ có những rào cản nhất định trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, với đích đến là một gia đình tràn ngập tình yêu thương, thay vì tranh luận, vợ chồng Phương Thảo luôn hướng tới dung hoà những điểm khác biệt, cùng giải quyết vấn đề, và tìm lời giải để giữ lửa hạnh phúc gia đình

Gìn giữ hệ giá trị không thể thay thế của gia đình Việt Nam
Chị Trịnh Phương Thảo, Phường Tân Thịnh, Tp Thái Nguyên

Chị Trịnh Phương Thảo, Phường Tân Thịnh, Tp Thái Nguyên cho biết: Tôi cảm thấy ảnh hưởng lớn nhất, khó khăn lớn nhất giữa 2 người chính là giao tiếp, ví dụ như là Việt Nam mình thì giao tiếp của mình là hay đi thẳng vào vấn đề, bên họ thì họ hay nói một cách trang nghiêm, trang trọng, nên là chúng tôi xảy ra rất là nhiều những cuộc cãi vã về vấn đề này. Sau đấy thì chúng tôi đã ngồi lại với nhau và đã chia sẻ về văn hóa giữa 2 bên nên cũng đã khắc phục được vấn đề này.

Gìn giữ hệ giá trị không thể thay thế của gia đình Việt Nam
Anh Darren Carroll, Phường Tân Thịnh, Tp Thái Nguyên

Anh Darren Carroll, Phường Tân Thịnh, Tp Thái Nguyên cho biết: Chúng gặp nhiều khúc mắc về văn hóa, ví dụ như sự khác nhau về tôn giáo, vợ tôi theo Phật Giáo, còn tôi theo Thiên Chúa giáo. Hoặc trong cách nuôi dạy con cái, mặc dù có những khác biệt khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Tôi rất biết ơn gia đình vợ tôi, bạn bè và đồng nghiệp đã giúp tôi hòa giải với cuộc sống tại Việt Nam.

Để một gia đình bền vững, bất cứ ai khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa hôn nhân đều nên hiểu rằng, họ không chỉ kết hôn với một con người cụ thể, mà còn chịu ảnh hưởng từ những khác biệt về văn hóa, lối sống, cách ứng xử... Chính vì thế, văn hóa ứng xử trong gia đình, đặc biệt là trong các gia đình phi truyền thống càng cần được coi trọng. Theo nhiều kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, quan điểm của thế hệ trẻ hiện nay, tuy có sự dịch chuyển sang giá trị gia đình hiện đại, song vẫn luôn giữ gìn các giá trị gia đình truyền thống trong văn hóa của người Việt. Và dù ở thời điểm nào, gia đình vẫn là một giá trị quan trọng không thể thay thế .