Gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua mô hình câu lạc bộ
CLB hát then, đàn tính liên thế hệ của xã Phúc Lương, huyện Đại Từ |
Cứ vào thứ 7 hàng tuần, hơn 10 thành viên của CLB hát then, đàn tính liên thế hệ của xã Phúc Lương, huyện Đại Từ cùng nhau tập luyện, hát những làn điệu hát then, đánh đàn tính. Người có kinh nghiệm hướng dẫn cho những người chưa biết. Những người già truyền dạy cho thế hệ con, cháu. Tuy điều kiện sinh hoạt của Câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê yêu ca hát, mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi người lại cố gắng khắc phục để tập luyện.
Ông Đào Trọng Thỉu, Chủ nhiệm CLB hát then, đàn tính liên thế hệ xã Phúc Lương vui vẻ nói: "Từ khoảng tháng 4 năm 2023, sau khi CLB hát then, đàn tính liên thế hệ của xã Phúc Lương ra đời, tất cả thành viên trong CLB đều cùng nhau tập hát, tập đàn, mua thêm quần áo dân tộc Tày và giao tiếp, trao đổi bằng tiếng dân tộc thì mọi người cảm thấy rất vui và thích thú".
Bà Đinh Thị Công, CLB Hát then, Đàn tính liên thế hệ xã Phúc Lương, Đại Từ, Thái Nguyên cho biết lợi ích của việc tham gia vào CLB: "Bắt đầu tham gia câu lạc bộ thì chúng tôi chưa biết nhưng bây giờ chúng tôi cũng đã học hỏi các chị em hát được các làn điệu của dân tộc mình, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc".
Lễ cúng cơm mới diễn ra tháng 9 âm lịch là nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, xóm Trung Thần, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ để mừng một vụ mùa bội thu, tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hòa để người dân làm ăn, sinh sống thuận lợi. Tham gia vào các hoạt động của buổi lễ là các thành viên Câu lạc bộ “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu” xóm Trung Thần. Được thành lập tháng 10 năm 2023, Câu lạc bộ có hơn 40 thành viên. Đây là những người nhiệt tình, tâm huyết để bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Sán Dìu bao gồm tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, các phong tục tập quán tốt đẹp...
Lễ cúng cơm mới là một trong những nghi thức mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp của dân tộc Sán Dìu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên |
Bà Trương Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu, xóm Trung Thần, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên: "Một tuần CLB chúng tôi sinh hoạt 04 buổi, đầu tiên, chúng tôi sẽ khôi phục tiếng nói, tiếng hát và các nghi thức của dân tộc mình. Những cụ già, bậc cao niên sẽ truyền dạy lại cho lớp trẻ các phong tục tập quán để lưu giữ muôn đời sau".
Ông Trương Văn Tuấn, Trưởng xóm Trung Thần, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Ngoài việc duy trì tần suất sinh hoạt của Câu lạc bộ như hiện nay, theo tôi chúng ta cần phải có nhiều buổi sinh hoạt hơn nữa, giao lưu với các đơn vị bạn để học hỏi giúp lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc mình mạnh mẽ hơn".
Thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, cộng đồng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh… đều thành lập nhiều câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa văn nghệ, Việc thành lập và phát triển mô hình câu lạc bộ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc được trực tiếp tham gia, đồng thời được hưởng thụ các kết quả do hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mang lại.
Ông Triệu Văn Thuận, Câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ chia sẻ phương pháp sinh hoạt của CLB để thu hút bà con, nhân dân tham gia: "Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu nhân các ngày lễ lớn, chúng tôi tập luyện và múa hát những điệu múa truyền thống của dân tộc, hát những bài Ví của dân tộc ca ngợi Đảng và Tổ quốc, nhớ ơn những người đã bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Dao xã Hợp Tiến nói riêng và dân tộc Dao nói chung".
Ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên khẳng định sự hiệu quả trong hoạt động của các Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu: "Khi thành lập các câu lạc bộ, lợi ích trước hết là các hội viên của câu lạc bộ sẽ trở thành những người xung kích đi đầu trong việc bảo tồn văn hóa của người Sán Dìu, bằng việc sưu tầm, truyền dạy tiếng hát và các phong tục tập quán. Chúng tôi hiện nay có phong trào vận động bà con nói tiếng Sán Dìu ở nhà, thông qua sinh hoạt hàng ngày để truyền dạy cho lớp trẻ tiếng nói của dân tộc, để tiếng nói của dân tộc Sán Dìu không bị mai một".
Cùng với các hoạt động bảo tồn ngay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm hỗ trợ khôi phục các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tôn vinh các hạt nhân, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn. Tỉnh cũng đang có nhiều giải pháp tích cực để gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững./.