Giật mình trước con số biến chứng khi sinh mà sản phụ đối mặt
Theo bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Việt Nam.
Tỷ số tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ được sinh ra vào năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ được sinh ra vào năm 2009.
So với mục tiêu của chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001 - 2010, tỷ số tử vong mẹ là 70/100.000 trẻ được sinh ra vào năm 2010 thì ngành y tế đã hoàn thành chỉ tiêu này trước 1 năm.
Trong năm 2017, tại bệnh viện Từ Dũ có 68.921 ca sinh con, trong đó có 3.390 trường hợp tiền sản giật (sản phụ bị tăng huyết áp, nguy cơ sản giật), 1.617 trường hợp băng huyết sau sinh (mất máu nhiều sau sinh do cơ tử cung gò kém, tổn thương đường sinh dục…), 2.086 trường hợp thai suy trong khi chuyển dạ, 1291 trường hợp bé sinh đủ tháng có vàng da cần can thiệp y tế.
Nhiều trường hợp sản phụ không thể sinh ngả âm đạo do ngôi thai không thuận lợi (ngôi mông, ngôi ngang, đầu thai nhi không cúi tốt để lọt được qua khung chậu mẹ…). Nhờ được theo dõi và phát hiện kịp thời, các trường hợp trên có kết cục thai kỳ tốt.
Một vài trường hợp sản phụ sinh nhanh, sinh rớt trên các phương tiện giao thông (taxi, xe buýt…) và được quần chúng hỗ trợ đỡ bé. Theo bác sĩ sản khoa ở bệnh viện Từ Dũ, đây là các ca cá biệt, không đồng nghĩa với việc đỡ sinh là dễ dàng hoặc sinh tại cơ sở y tế là không cần thiết.
Việc thai phụ tự sinh tại nhà, không được theo dõi huyết áp, sự lọt xuống của ngôi thai thuận lợi hay không, hỗ trợ thuốc khi tử cung không gò…thật sự đe đọa tính mạng của mẹ và thai. Ngoài ra, có 10% trẻ sinh ra cần có sự hỗ trợ hô hấp để thở tốt.
Các biến chứng nguy hiểm khi sinh nở
Thuyên tắc ối
Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch nước ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn máu mẹ thông qua nhau gây ra một phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính cho mẹ.
Thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ. Sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng vài phút đầu tiên, sau đó là tụt huyết áp, phù phổi, sốc, có những biểu hiện thần kinh như lú lẫn, mất ý thức, co giật và hôn mê.
Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong mẹ hơn 80% dù tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%. Thống kê cho thấy 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau đó phần lớn trường hợp để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Sản phụ khi sinh gặp biến chứng rất cần sự giúp đỡ từ y bác sĩ |
Vỡ ối sớm
Vỡ ối sớm là tình trạng màng ối vỡ trước tuần 37 của thai kỳ. Ối vỡ càng sớm, thai nhi sẽ càng có nguy cơ gặp nguy hiểm. Tỷ lệ mẹ bầu gặp phải tình trạng này nằm trong khoảng từ 2 đến 3%.
Tùy theo giai đoạn mang thai, tình trạng vỡ nước ối trước khi thai nhi được xem là đủ tháng (37 tuần) có thể gây ra mức độ ảnh hưởng khác nhau. Trong đó, 2 nguy cơ lớn nhất là nhiễm trùng và sinh non.
Suy thai
Suy thai là một quá trình bệnh lý do tình trạng thai thiếu oxy trong máu hoặc thiếu oxy tổ chức khi thai đang sống trong tử cung.
Suy thai cấp chiếm tỷ lệ dưới 20% các cuộc đẻ, thường xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, đe doạ tính mạng đứa bé, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của đứa bé trong tương lai nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh hay còn gọi là ra máu sản hậu. Đây là tình trạng tai biến sản khoa nặng, là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở sản phụ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ băng huyết sau sinh chiếm từ 3%-8% tổng số sinh. Trong danh mục 5 tai biến sản khoa của toàn quốc, băng huyết sau sinh là tai biến thường gặp nhất (chiếm 50%) và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (chiếm 78,8%).
Vỡ tử cung
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Vỡ tử cung trong chuyển dạ thường gặp hơn vỡ tử cung trong thai kỳ.
Tỷ lệ tử vong do biến chứng này hiện nay còn rất cao 25-50% và hay gặp hơn ở những người phụ nữ đã có sẹo mổ đẻ cũ.