“Giải mã” giá thị lợn đến tay người tiêu dùng cao chót vót
Ai đang móc túi người tiêu dùng?
Từ đầu năm đến nay, người nuôi lợn ở các tỉnh phía Bắc "khóc ròng" vì giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 15.000-20.000 đồng một kg. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNN&PTNT), với mức giá này, lợn hơi Việt Nam đang có giá thấp nhất thế giới.
Lợn hơi giá rẻ như bùn, song, giá lợn thịt trên thị trường vẫn thế |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VOV tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, thịt lợn mông, vai, ba chỉ, chân giò vẫn ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg, thịt thăn giá dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, sườn 80.000 - 100.000 đồng/kg, móng giò 70.000 – 75.000 đồng/kg,...
Nhiều bà nội trợ biết giá lợn hơi giảm mạnh nên muốn mua nhiều để giúp đỡ nông dân, thế nhưng ra các siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống họ vẫn phải mua thịt lợn ở mức giá cao như thời điểm cách đây một năm.
Lý giải về nghịch lý này, ông Việt – chủ một trang trại lợn ở xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam – “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Một là do việc bán lẻ thịt lợn phải trải qua nhiều khâu trung gian, qua mỗi khâu người ta lại nâng lên 1 - 2 giá và thay đổi theo mức mà các thương lái, người bán tự thỏa thuận miệng với nhau.
Thứ hai là phần lớn bà con có thói quen mua thịt ở các chợ dân sinh. Tại các chợ này, chủ hàng thịt đã giữ chỗ, việc điều tiết thịt bao nhiêu là do họ nên các các chủ cửa hàng bán thịt dựa vào đó mà tự định giá, độc chiếm thị trường.
Ông Việt cho rằng, ai cũng xác nhận được nguyên nhân giá heo bán lẻ vẫn cao là do khâu trung gian, nhưng mọi giải pháp đưa ra chưa giải quyết được tận gốc.
Theo ông Dương - một đại lý cám ở “thủ phủ” nuôi lợn Ngọc Lũ, nếu nông dân, hay hợp tác xã bán trực tiếp cho siêu thị sẽ có giá cao hơn và ngược lại, siêu thị mua được nông dân với giá gốc, sẽ bán cho người tiêu dùng rẻ hơn. Ở đây, nên hiểu là tiểu thương mua gom, thấy lãi nhiều là họ bán, vì họ không cần uy tín thương hiệu cũng không mất tiền thuê mặt bằng.
Thức ăn “nuốt” hết lợi nhuận chăn nuôi
Chiếm 70 - 75% giá thành sản phẩm chăn nuôi, hiện nguyên liệu đầu vào giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn gần như giậm chân tại chỗ khiến người nuôi lỗ nặng khi giá heo hơi tụt kỷ lục.
Các hộ chăn nuôi than lợi nhuận hầu hết đều rơi vào túi nhà máy và đại lý thức ăn gia súc vì được hưởng chiết khấu cao. Thông thường, khi giá lợn tăng thì giá thức ăn chăn nuôi cũng neo theo, nhưng giờ giá lợn chạm đáy, giá thức ăn vẫn “giậm chân tại chỗ”, chỉ có một số ít công ty bắt đầu giảm nhẹ từ 5 – 7%.
Bên cạnh đó, giá thuốc thú y cũng nhanh chóng tăng theo giá lợn khi thị trường tiêu thụ thuận lợi. Nhưng khi giá lợn giảm thì giá các mặt hàng này giảm nhỏ giọt, thậm chí là “án binh bất động”.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, giá thức ăn gia súc hiện đã giảm khoảng 5 - 10 % so với đầu năm. Theo ông Lịch, trước tình trạng lợn ế, lợn rẻ như hiện nay thì Bộ Công Thương và Cục Thú y phải vào cuộc, đi đến những ký kết để xuất khẩu lợn thịt ra nước ngoài, giải quyết tình trạng ế ẩm của lợn thịt trong nước.
Phần lớn nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu; sản xuất thức ăn và chăn nuôi không nằm trong một hệ thống khép kín từ thức ăn - chăn nuôi - giết mổ - chế biến nên cơ sở sản xuất thức ăn không có trách nhiệm cao với sản phẩm của mình; thiếu sự kiểm tra chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp vừa và nhỏ nên chất lượng sản phẩm thấp... Những nhược điểm này đã góp phần làm cho năng suất chăn nuôi ở Việt Nam thấp và giá thành sản phẩm chăn nuôi cao.
Vẫn nhập khẩu dù thịt trong nước ế ẩm
Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa năm 2017 khoảng 3,5 triệu tấn thịt heo hơi. So với nguồn cung hiện tại, Việt Nam đang thừa khoảng 200.000 tấn thịt heo. Mặc dù thịt heo nội địa đang dư thừa với số lượng lớn, song lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam vẫn liên tục tăng. Hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn thịt lợn các loại.Đặc biệt, thịt heo nhập khẩu giá chỉ bình quân 27.000 đồng/kg, rất rẻ so với giá heo nội địa.
Hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn thịt lợn các loại dù thị trường thịt lợn trong nước ế ẩm |
Trong khi đó, Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Như vậy, tính bình quân mỗi kg thịt lợn khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD (khoảng 27.000 đồng).
Trong số này, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh gần 2.400 tấn, trị giá 4,5 triệu USD. Phụ phẩm sau giết mổ tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập về nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD. Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; bột mịn và bột thô ăn được làm từ thịt hoặc phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ gần 10 tấn, trị giá 115.000 USD.
Còn năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng/kg; thịt lợn tươi giá khoảng 35.900 đồng/kg.
“Giải cứu” thịt lợn
Mức tiêu thụ bình quân thịt lợn/người của thế giới hiện nay của các nước tiêu thụ nhiều thịt lợn chỉ khoảng 35 kg/người/năm, của Việt Nam chỉ ước vào khoảng 25 kg/người/năm. Như vậy hiện cả nước đang thừa ít nhất khoảng 30%, thậm chí 40% tổng sản lượng thịt lợn, khiến giá rớt thê thảm, đặc biệt là trong khi các nguồn cung thực phẩm khác như thủy sản, thịt gia cầm… cũng đang tăng rất mạnh, khiến tiêu thụ thịt lợn trong nước càng thêm áp lực.
Trước thực trạng trên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cần tiếp tục chung tay giúp người chăn nuôi tiêu thụ số lợn dưa thừa, để đảm bảo ngành chăn nuôi, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi (sản xuất chế biến thức ăn, con giống, thuốc thú y) cùng phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã đưa ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, phải nhanh chóng tái cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp. Đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến giải pháp phát triển xuất khẩu chính ngạch thịt lợn ra thế giới. Hiện nay, Bộ đang quyết liệt trong việc mở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc.
Cũng theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh chúng ta chưa thể xuất khẩu, thời gian tới, nhà nước cần phải triển khai ngay một số giải pháp để nâng giá trở lại cũng như đưa chăn nuôi lợn vào guồng máy hoạt động bền vững, trong đó, giải pháp cấp đông thịt lợn là khả thi nhất. Hiện nay, chỉ cần huy động 1-2 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành chăn nuôi, hỗ trợ họ cơ chế giết mổ để cấp đông thịt lợn là sẽ cứu được tình hình./.