Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 4 tăng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, trong đó 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 7/4 và 23/4 (tác động làm CPI chung tăng 0,11%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,18% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá điện, nước sinh hoạt tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,06% (dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% (dịch vụ y tế không đổi).
Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 4 tăng (Ảnh minh họa: KT) |
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm hoặc không đổi: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18%, trong đó lương thực tăng 0,12% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu tăng; thực phẩm giảm 0,33% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm (riêng giá thịt lợn tăng 1,25%). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%; đồ uống và thuốc lá không đổi.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 4/2018 tăng 1,05% so với tháng 12/2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,67% so với tháng 12/2017 và tăng 5,41% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4 tăng 0,10% so với tháng trước; tăng 0,32% so với tháng 12/2017 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2017./.