Giá và lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đang giảm mạnh
Nguyên nhân được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải là do lượng nhập khẩu của một số thị trường giảm, giá gạo xuất khẩu trên thế giới ảnh hưởng do Thái Lan và Ấn Độ xả kho dự trữ. Bên cạnh đó, gạo năm 2017, gạo Việt vẫn chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, các đơn hàng ký kết diện liên chính phủ Việt Nam - Philippines, Trung Quốc đang giảm do đối tác ký nhiều hợp đồng nhỏ lẻ với thương nhân nước ngoài.
Xuất khẩu gạo đang giảm mạnh cả lượng và giá (ảnh minh hoạ) |
Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/3, cả nước xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 439 triệu USD, đạt bình quân 10 triệu đồng/tấn. Cả lượng và kim ngạch đều giảm so với cùng kỳ năm 2016, với lượng xuất khẩu ước đạt kỳ 1 tháng 3/2016 là 1,2 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 550 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân hơn 10,5 triệu đồng/tấn.
Về lượng và giá, trong năm 2016 so với các năm trước đều giảm về lượng, còn giá biến đổi thất thường. Về lượng gạo xuất khẩu, năm 2016 theo Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD, giá bình quân là khoảng 9,8 triệu đồng/tấn, tăng hơn 500.000 đồng/tấn so với giá năm 2015 nhưng giảm khoảng 600.000 đồng/tấn so với năm 2014.
Quan trọng hơn là gạo xuất khẩu giảm mạnh về lượng, năm 2016 ghi nhận giảm mạnh khoảng 2 triệu tấn so với lượng gạo xuất khẩu năm 2015 và hơn 1,5 triệu tấn so với năm 2014. Lượng gạo xuất khẩu của năm 2016 ở nhiều thị trường trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Philippines giảm mạnh, trong đó Trung Quốc giảm hơn 50%, Philippines giảm hơn 25%.
Mới đây, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016 như lúa gạo, chè, thủy sản, hạt điều, tiêu... Giảm mạnh nhất là gạo, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2/2017 ước đạt 462.000 tấn và giá trị 104 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm ước đạt 799.000 tấn và 248 triệu USD.
Trước đó, VFA cũng đưa ra lo ngại về con số báo động các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trong nước đang tồn kho tính đến hết tháng 1/2017 khoảng 1 triệu tấn gạo. Lượng gạo tồn đọng nhiều, các doanh nghiệp không thu mua khiến giá lúa và gạo của người nông dân sẽ giảm do cung vượt cầu.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 2/2017, lượng gạo xuất khẩu theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan giảm 23% về lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, đầu năm 2017, VFA cũng đưa ra dự báo năm 2017 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo, cao hơn con số xuất khẩu thực tế năm 2016 hơn 200.000 tấn.
Hiện, thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới đang chứng kiến cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt khi Thái Lan, Ấn Độ đang chiếm lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu gạo lớn như Tây Á, Bắc Phi, Trung Quốc hay Nam Á. Hết tháng 1/2017, Thái Lan tuyên bố xả kho gạo hơn 8 triệu tấn để xuất khẩu, khiến giá gạo thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm 2017 của Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mục tiêu xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2017 là khoảng 10 triệu tấn, tương đương với con số năm 2016 là 9,88 triệu tấn. Gạo Thái bán thông qua hợp đồng liên chính phủ, phần còn lại qua các đầu mối tư nhân lớn, sau đó chuyển kênh phân phối nhỏ bán riêng thị trường. Trong khi đó, xuất khẩu gạo Việt hiện chủ yếu dựa vào hợp đồng liên chính phủ, các DN chịu trách nhiệm phân phối gạo như Vinafood 1 và Vinafood 2.
Mặc dù mới đây Bộ Công Thương có chính sách kịp thời để thúc đẩy xuất khẩu gạo là loại bỏ điều kiện thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, mở rộng cửa cho tư nhân tham gia phân phối, xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP vẫn quy định: Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và có cơ sở xay xát mới được xuất khẩu...
Nhiều chuyên gia lúa gạo kiến nghị Bộ Công Thương cần kiến nghị sửa đổi Nghị định phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình vì cho rằng đây là rào cản hành chính, thiếu căn cứ và chưa xét đến quy mô hoặc loại hình thương nhân xuất khẩu gạo, chỉ tạo điều kiện cho DN lớn, gây hạn chế quyền kinh doanh của tư nhân.