Bên tấm bảng đen, dáng người cao, gầy cùng với đôi bàn tay thô ráp và những đường gân guốc vẫn từng ngày nắn nót chữ Chăm truyền dạy cho con em đồng bào Chăm, giữ gìn văn hóa dân tộc. Đó là ông Mohamad, năm nay 60 tuổi, ở khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, suốt 9 năm dạy chữ Chăm không lấy một đồng thù lao của người học.

Quê ở làng Chăm tỉnh An Giang, năm 1978, ông Toul Mohamad chuyển về phường Bình An, thị xã Dĩ An lập nghiệp và định cư cho đến nay. Từ nhỏ, Toul Mohamad đã học việc thực hiện nghi lễ tôn giáo của người Chăm theo đạo Hồi giáo như Sampahyang…

gap thay giao lang le cua nguoi cham
Ông Toul Mohamad đang dạy tiếng Chăm.

Điều ông trăn trở là những di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Chăm đang dần mai một theo thời gian. Phường Bình An có hơn 20 hộ với 150 người Chăm sinh sống. Hầu hết bà con ở đây đều không biết chữ Chăm. Với tình yêu sâu nặng, ý thức trách nhiệm cao với vốn văn hóa của dân tộc, ông đã mở lớp dạy chữ Chăm cho đồng bào Chăm trong khu phố.

Căn nhà nhỏ, cũ kỹ chỉ vừa đủ cho gia đình sinh hoạt nhưng ông đã dành cả phòng khách để làm nơi sinh hoạt tôn giáo và dạy học chữ Chăm cho đồng bào Chăm ở Dĩ An. Trên tường, hai tấm bảng vẫn còn in đậm nét chữ Chăm loằng ngoằng của vị Toul-tiếng Chăm nghĩa là người thầy này. Hàng chục cuốn sách tiếng Chăm được ông xếp gọn gàng trên kệ để phục vụ cho lớp học.

Lớp học bắt đầu vào lúc 19h mỗi ngày, chỉ kéo dài từ 45 phút đến 1 giờ. Không chỉ các em nhỏ, có người 30, 40 tuổi cũng đến học. Theo học chữ Chăm với Toul Mohamad được 1 năm, Sakinah năm nay 26 tuổi đã biết đọc, biết viết.

Sakinah chia sẻ: “Theo học chữ Chăm để hiểu về văn hóa của mình. Từ nhỏ đã được học tiếng phổ thông còn tiếng Chăm chỉ biết nói nhưng không thể viết được. Ở Phường này, chỉ có một mình ông Toul Mohamad biềt chữ Chăm rồi mở lớp dạy cho con cháu như chúng tôi. Ông dạy bằng tâm huyết, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không hề nhận một đồng bồi dưỡng của chúng tôi”.

Nhờ lớp học của Toul Mohamad, hầu hết con cháu người Chăm tại Dĩ An đã biết đọc, biết viết chữ Chăm. Hơn 9 năm gắn bó với nghề truyền chữ Chăm thiện nguyện, Toul Mohamad tâm sự: “Tôi rất mừng, vì việc làm của mình đã giúp cho đồng bào Chăm biết chữ Chăm. Có chữ viết rồi, văn hóa Chăm sẽ được lưu truyền bền vững. Tôi chỉ mong những thế hệ tôi trao truyền dạy lại cho thế hệ mai sau để không bị mai một”.

gap thay giao lang le cua nguoi cham
Lớp học chữ Chăm của ông Toul Mohamad vào buổi tối

Ngoài dạy chữ Chăm, Toul Mohamad còn vun đắp đạo lý, đạo đức làm người để con cháu người Chăm trở thành người có ích cho xã hội. Vào thứ Sáu hàng tuần, ông còn tổ chức dạy giáo lý cho đồng bào mình. Ngoài việc truyền dạy Hukum- tức là giáo luật của người Chăm, lề lối của tôn giáo, ông còn vận động bà con trong cộng đồng sống đẹp với xã hội, hài hòa giữa đạo và đời.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An nhận xét về ông Mohamad: “Hoàn cảnh gia đình ông Mohamad rất khó khăn. Vợ ông, bà Marigiah là diện trợ cấp nhưng ông mở lớp dạy chữ Chăm cho đồng bào ở đây không lấy tiền. Ngoài ra, các phong trào gì của địa phương ông đều tích cực”.

Việc làm của ông Toul Mohamad góp phần duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào Chăm ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng như giúp con em nâng cao hiểu biết, sống theo đúng pháp luật./.