Dư luận trái chiều trong chính quyền Mỹ khi tấn công Syria rất hạn chế
Tránh hẳn mục tiêu Nga và Iran trên đất Syria
Theo New York Times, trong lần không kích Syria lần này, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho quân đội sử dụng hỏa lực mạnh hơn nhằm vào nhiều mục tiêu hơn so với hồi tháng 4/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiến dịch không kích của ông Trump vẫn còn rất hạn chế và nhiều khả năng, điều này “nằm trong tính toán” của Tổng thống Mỹ khi ông muốn tránh “gây khiêu khích” các đồng minh quan trọng của Syria như Nga và Iran.
Theo đó, cả Mỹ và các đồng minh như Anh và Pháp đều tập trung hỏa lực vào 3 mục tiêu khác nhau thay vì một căn cứ quân sự như hồi năm 2017. Cả 3 mục tiêu này, theo giới chức Mỹ, đều liên quan đến hoạt động sản xuất vũ khí hóa học của Syria.
Hơn thế nữa, tướng lĩnh quân đội Mỹ khẳng định, các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào các mục tiêu này chỉ diễn ra một lần duy nhất nhằm “trừng phạt Damascus” với cáo buộc quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường hồi cuối tuần trước.
Vài ngày trước cuộc không kích, Ngoại trưởng Mỹ James Mattis cũng rất thận trọng khi đề cập đến khả năng tiến hành “một cuộc tấn công chớp nhoáng” vào Syria mà không “có một chiến lược toàn diện”.
Ông Mattis bày tỏ lo ngại, cuộc tấn công như vậy sẽ lôi kéo cả Nga và Iran vào cùng Syria đối đầu với Mỹ. Điều này sẽ gây bất lợi rất lớn cho Mỹ bởi cả Nga và Iran đều có các lực lượng của mình được triển khai tại Syria. Chính vì thế, Mỹ buộc phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương án tấn công cuối cùng.
Các chuyên gia nhận định, đợt tấn công một đêm chớp nhoáng này sẽ không thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường Syria nhưng ít nhất, nó cũng đem lại hy vọng cho ông Trump rằng, “lời cảnh báo” này đủ sức răn đe ông Assad nhưng không quá mạnh khiến Nga và Iran buộc phải nhảy vào cứu đồng minh.
Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng tuyên bố, vụ không kích Syria đêm 13/4 đã được tính toán để hạn chế tối đa khả năng giết nhầm binh sĩ Nga. Dù gọi đây là “một đòn giáng mạnh”, ông Mattis cho biết, cuộc tấn công này “chỉ diễn ra một lần mà thôi”.
Chính sự thận trọng quá mức này khiến Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham không thực sự hài lòng. Phát biểu trên kênh Fox News Radio, ông Graham bày tỏ: “Tôi lo ngại rằng, liệu chúng ta có được những tướng lĩnh xứng tầm hay không.
Nếu các tướng lĩnh của chúng ta phải nghe lời Tổng thống Nga Putin và không dám mạnh tay chỉ vì ông ấy dọa sẽ tấn công trả đũa thì quả thực đó là thảm họa”.
Cân nhắc từng phản ứng của Nga và Iran
“Cả Nga và Iran sẽ mạnh mẽ lên tiếng phản đối vụ tấn công này nhưng khả năng họ sẽ có phản ứng trực tiếp là khó có thể xảy ra”, ông Dennis Ross chuyên gia về Trung Đông làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông nhận định: “Các mục tiêu tấn công chủ yếu là các cơ sở hóa học của Syria chứ không phải là các căn cứ của Nga và Iran”.
Các quan chức Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng Nga và Iran sẽ đáp trả bằng đòn tấn công trực tiếp vào các lực lượng của Mỹ ở trong khu vực. Tuy nhiên, họ cũng phải tính đến việc hai nước này thực hiện “các vụ tấn công bất tương xứng” dựa vào năng lực tác chiến điện tử cực mạnh của cả Nga và Iran khiến Mỹ “trở tay không kịp”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giới chức Mỹ vẫn phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho “kịch bản xấu nhất” là Nga tấn công vào các vị trí mà tên lửa Mỹ được phóng đi để tấn công các mục tiêu tại Syria như Nga đã cảnh báo.
Điều này xuất phát từ thực tế rằng, trong các cuộc điện đàm trao đổi, các quan chức quân đội Mỹ luôn nhắc đi nhắc lại mệnh lệnh phải đảm bảo an toàn cho các tàu khu trục của Hải quân Mỹ trước khả năng bị Nga tấn công trả đũa.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng Syria, Nga và Iran sẽ phát động chiến dịch tuyên truyền chống lại cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Chính phủ có thể đưa ra bằng chứng thuyết phục về việc chính thể của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở Douma./.