Dự án khởi nghiệp của sinh viên Hutech giành Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can
Ra đời từ năm 2011, Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can là cuộc thi do báo Doanh nhân Sài Gòn sáng lập với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và doanh nhân - những người trực tiếp làm việc trong thương trường. Năm 2017, cùng với Hội đồng giám khảo là các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân đã thành công, Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can còn đặc biệt có sự đồng hành của nhiều thương hiệu nổi tiếng .
Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017 là sân chơi hàng đầu dành cho sinh viên đam mê khởi nghiệp |
Cuộc thi năm nay thu hút hơn 1.000 sinh viên tham gia từ khắp các trường Đại học trên cả nước. Trải qua 4 vòng thi gồm Kiến thức kinh tế - kinh doanh và khả năng Anh ngữ, Phát triển ý tưởng, Bảo vệ đề án và Chung kết, những dự án xuất sắc nhất được chọn vào Top 10 cuộc thi đến từ sinh viên các trường Đại học hàng đầu như Đại học Ngoại thương TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), Đại học Công nghiệp Hà Nội,...
Trong đó, đại diện Hutech có mặt ở Top 10 là sinh viên Nguyễn Thị Thủy Tiên, ngành Công nghệ thực phẩm, Viện Khoa học ứng dụng Hutech với dự án “Sản xuất và phân phối mứt chôm chôm sấy dẻo”. Đề tài của Thủy Tiên được Hội đồng giám khảo đánh giá cao ở tính nhân văn - khi triển khai thực tế sẽ giải quyết được nỗi lo “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, vốn là vấn đề nhức nhối của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, với kiến thức của một kỹ sư Công nghệ thực phẩm, Thủy Tiên cũng bước đầu đưa ra được giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của trái chôm chôm Việt Nam.
Sinh viên Nguyễn Thị Thủy Tiên - ngành Công nghệ thực phẩm Hutech vào Top 10 của cuộc thi. |
Thủy Tiên chia sẻ: “Đề án là sự kế thừa các kết quả nghiên cứu của các anh chị khóa trước với mong muốn sản xuất sản phẩm mứt chôm chôm sấy dẻo ở quy mô công nghiệp và phân phối sản phẩm ra thị trường, em đã phát triển nghiên cứu thành đề án kinh doanh. Thông qua cuộc thi, em cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Ngoài kiến thức chuyên môn cũng như những nền tảng về khởi nghiệp được trang bị rất kỹ trong quá trình học tập tại Hutech, em còn được học hỏi thêm nhiều kiến thức về kinh tế, marketing, được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp,... Em cũng học được cách khai thác sâu đặc tính sản phẩm, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, giá cả thị trường, huy động nguồn lực sẵn có để mô hình kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn”.
Hutech luôn đồng hành cùng sinh viên để hỗ trợ về chuyên môn và khởi nghiệp |
Đối với Thủy Tiên, Top 10 Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can là bước đệm đầu tiên cho hành trình khởi nghiệp của cô bạn. Điều quan trọng nhất mà Tiên rút ra được chính là tinh thần “dám nghĩ dám làm”, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để thử thách bản thân. Thủy Tiên cho biết: “Em nghĩ, từ một ý tưởng ban đầu các bạn sinh viên luôn có thể phát triển thành một đề án kinh doanh. Đó là một quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng. Nhưng các bạn yên tâm vì thầy cô, nhà trường sẽ luôn đồng hành với các bạn để hỗ trợ về chuyên môn cũng như tạo điều kiện cho các bạn khởi nghiệp, nên hãy cứ mạnh dạn và dám thử thách bản thân để trưởng thành”.
Được biết, cùng với đề án “Sản xuất và phân phối mứt chôm chôm sấy dẻo” của Nguyễn Thị Thủy Tiên, Hutech còn có đề tài “Nước mát thảo mộc HVB" của nhóm sinh viên Trần Thị Diệu Hạnh, Trịnh Thành Vũ và Trương Quốc Bảo (khoa Quản trị kinh doanh) lọt vào Top 27 Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017. Cùng với những thành tích học thuật và nghiên cứu khoa học, đây chính là những giải thưởng ghi dấu ấn Hutech ở lĩnh vực khởi nghiệp - con đường khẳng định bản thân của đông đảo sinh viên thời hội nhập.