Đột phá công nghệ giúp tay người liệt cử động
Bill Kochevar là bệnh nhân đầu tiên bị liệt tứ chi có thể cử động cánh tay và bàn tay của mình nhờ công nghệ “thần kinh giả”. |
Hiện nay ước tính có từ 243.000-347.000 người Mỹ đang sống với tình trạng chấn thương tủy sống (SCI) với gần một nửa trong số này bị liệt tứ chi (tình trạng liệt một phần hoặc hoàn toàn cả chân tay).
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet đã báo cáo về công nghệ “thần kinh giả” đột phá cho phép bệnh nhân liệt tứ chi cử động cánh tay bằng ý nghĩ.
Công nghệ mới - dựa trên hệ thống kích thích điện chức năng - không phải là cách điều trị liệt. Thay vào đó, nó cung cấp cho bệnh nhân một thiết bị làm cầu nối cho khoảng cách giữa não và cơ mà SCI gây ra.
Theo đó, các nhà khoa học đã tìm cách "diễn giải" các tín hiệu não của bệnh nhân thành xung điện. Sau đó những xung này được sử dụng như những lệnh cho các điện cực ở cánh tay, kích thích cơ ở cánh tay, cổ tay, khuỷu tay và vai bằng cách làm cho chúng co lại.
Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là TS. Bolu Ajiboye thuộc trường Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Ohio đã thực hiện phẫu thuật cấy cảm biến vào vùng não của bệnh nhân chịu trách nhiệm kiểm soát vận động. Họ tạo ra một giao diện máy tính-não cho phép bệnh nhân "nói" cho máy tính biết cách sử động cánh tay của mình.
Cho phép bệnh nhân liệt tứ chi thực hiện các công việc hàng ngày
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân - một nam giới 53 tuổi đã bị liệt 8 năm do tai nạn xe đạp - đã phải "dạy" giao diện não-máy tính biết những cử động nào tương ứng với những tín hiệu nào của não thông qua một chi “ảo”. Quá trình này mất khoảng 4 tháng.
Bệnh nhân tập với thiết bị trong 12 tháng trước khi bắt đầu thực hiện các hoạt động hàng ngày, như ăn và uống. Nói chung, bệnh nhân đã được cấy công nghệ mới trong gần 2 năm. Trong thời gian này, ông chỉ bị một vài phản ứng phụ nho nhỏ và đã được giải quyết kịp thời.
Bệnh nhân đã thành công trong việc tự uống 11 trong 12 lần, với 20-40 giây để hoàn thành. Bệnh nhân cũng có thể điều khiển tay để đưa thìa vào miệng nhiều lần.
Trong thời gian theo dõi kéo dài 45 tuần, sức mạnh, sức bền và khả năng cử động nói chung của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể.
Mang lại hy vọng cho hàng triệu người liệt
TS. Ajiboye và nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận một số hạn chế của công nghệ. Các động tác chậm hơn và kém chính xác hơn cánh tay “ảo”.
Hơn nữa, bệnh nhân cần phải dựa vào mắt để điều khiển cánh tay, vì liệt toàn thân sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận về vị trí của các chi trong không gian.
Tuy nhiên, TS Steve Perlmutter, Đại học Washington, gọi đây là "bước đột phá".
Ông viết: "Đây là báo cáo đầu tiên về mộ trường hợp thực hiện được cử động chức năng của nhiều khớp ở một chi bị liệt với bộ phận “thần kinh giả” vận động.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị này chưa sẵn sàng để sử dụng ngoài phòng thí nghiệm. Nghiên cứu này là một minh chứng về nguyên tắc cho điều có thể, chứ không phải là một tiến bộ cơ bản trong khái niệm hoặc công nghệ “thần kinh giả”. Nhưng đây là một minh chứng đáng phấn khởi, và tương lai của “thần kinh giả” vận động để khắc phục tình trạng liệt là rất sáng sủa".