Đối thoại Shangri-La cảnh báo hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố
Vấn đề chống khủng bố từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La. Tuy nhiên trong bối cảnh châu Á đang nằm trong “tầm ngắm” của những tổ chức khủng bố và nhiều quốc gia trong khu vực đã phải đối mặt với những hậu quả do các tổ chức cực đoan này gây ra, Đối thoại Shangri-La là cơ hội để các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu khu vực, thảo luận biện pháp ngăn chặn sự mở rộng của chủ nghĩa khủng bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu tại Đối thoại An ninh Shangri-La 2018. |
Trong phiên thảo luận sáng nay với đại diện của các nước từ Trung Đông, Đông Nam Á và châu Âu đã nêu rõ những thách thức của thế giới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố của tổ chức Marawi thời gian qua nhận định, cuộc chiến chống khủng bố hiện không chỉ là nhằm vào các căn cứ của chúng tại các sa mạc hay vùng núi, mà là cuộc chiến phía sau màn hình công nghệ và nhận thức của mỗi cá nhân. Các nhóm khủng bố đang có những biến đổi với việc sử dụng chiến thuật mới, trong đó có việc chuyển dịch biên giới địa bàn hoạt động, đặc biệt tận dụng sự ưu việt của cách mạng công nghệ để truyền bá tư tưởng cực đoan của mình. Các nhóm cực đoan cũng đang bắt đầu “trẻ hóa” mục tiêu tuyển mộ và tạo thành một mạng lưới “gia đình khủng bố”, mở rộng các nguồn tài chính ủng hộ không chỉ bằng các hành động bạo lực chiếm hữu, mà bằng việc cấu kết lợi ích với các tổ chức bảo trợ…
Trước những thách thức này, các nước đều khẳng định các quốc gia cần phải có những cái nhìn và biện pháp mới hơn để đối phó với thách thức. Chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố không chỉ là chiến thắng về quân sự mà còn phải ngăn chặn bóng ma khủng bố quay trở lại.
Phó Thủ tướng Qatar Khalid bin Mohammed Al Attiyah nhận định, những giải pháp trong việc đối phó với các hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố, trong đó không thể bỏ qua việc giải quyết những vấn đề gốc rễ khiến tư tưởng cực đoan có thể lan rộng trong giới trẻ.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Al Attiyah. |
Ông Al Attiyah nói: “Chúng ta không chỉ đối phó bằng lực lượng quân sự mà đây là cuộc chiến về nhận thức của mỗi cá nhân. Chúng ta cần phải thông qua các chính sách để đảm bảo sự phát triển kinh tế và tương lai tốt hơn cho con em chúng ta. Một tương lai của hi vọng cuộc sống tốt hơn về tăng trưởng, hòa bình và an ninh”
Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thời gian qua với nhiều thành công đạt được một lần nữa khẳng định sự hợp tác hiệu quả của các nước trong cuộc chiến này, không chỉ là liên minh quân sự mà còn là sự phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo…
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng, các tổ chức khủng bố sử dụng sự đa dạng trong chiến thuật của mình thì các nước cũng phải có sự đa dạng trọng phản ứng và ngăn chặn.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen. |
Bà Leyen nói: “Ở quy mô quốc gia, các nước phải phối hợp tất cả các nguồn lực quốc gia từ tăng cường luật, quân sự, ngoại giao chính trị trong cuộc chiến này. Trên bình diện quốc tế, các nước cần phải có sự phối hợp chặt chẽ tạo thành các liên minh chống các nhóm khủng bố, giúp các quốc gia dễ bị tổn thương, xây dựng khả năng chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta có thể phát triển bản sắc riêng của mình nhưng cũng cần phải đối thoại, tôn trọng văn hóa, truyền thống và tôn giáo của những nước khác”.
Cùng vấn đề khủng bố, trong các phiên thảo luận trước, Đối thoại G7 đã đề cập nhiều thách thức an ninh mà khu vực đang phải đối mặt. Trong phiên thảo luận cuối cùng của Đối thoại G7 về hợp tác an ninh khu vực, các nước một lần nữa khẳng định trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc cùng chung tay đóng góp vào sự phát triển an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực./.
Vậy sau 3 ngày họp với 5 phiên thảo luận, Đối thoại G7 2018 đã chính thức khép lại, với cam kết và đề xuất của các nước đưa ra giúp giải quyết được nhiều vấn đề nóng của khu vực./.