Đỗ tốt nghiệp trên 90%: Nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia?
Nhiều địa phương trên cả nước vừa công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Theo đó, nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ gần 100%. Một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn..., tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%.
Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều địa phương, trong đó có nhiều tỉnh miền núi quá cao, dư luận đang đặt câu hỏi là kết quả này có phản ánh đúng chất lượng học tập và giảng dạy và có nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia hay không?
Bộ GD-ĐT nên tập trung tổ chức tốt kỳ thi ĐH, CĐ
PGS.TS Văn Như Cương cho rằng, các địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao gần như nhau thì không nên tổ chức thi vì rất tốn kém. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các địa phương tự tổ chức cùng ngày giờ như là kỳ thi học kỳ II. Đề thi được ra phù hợp với trình độ học sinh ở mỗi tỉnh, thành nhưng vẫn theo quy định của chương trình THPT.
PGS.TS Văn Như Cương |
Nếu học sinh nào biết được kết quả thi của mình kém thì có thể không chọn lựa vào ĐH nữa mà chọn lựa một ngành nghề nào đó học để có thể xin được việc làm phù hợp với năng lực của mình.
Theo PGS.TS Văn Như Cương, Bộ GD-ĐT nên tập trung chỉ đạo thật tốt kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ để chọn lựa những người có có trình độ cao làm việc.
Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường tự chủ, có sự kết hợp với các địa phương tổ chức như việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Có như vậy, học sinh ở các địa phương không phải đổ dồn về các tỉnh, thành phố lớn thi, gây lãng phí tiền bạc, thời gian cho thí sinh và người nhà.
Các trường ĐH, CĐ có thể tự tổ chức ra đề thi riêng phù hợp với từng chuyên ngành, tiêu chí lựa chọn cụ thể hoặc có thể phối hợp với nhau tổ chức ra đề. Bộ GD-ĐT không nên cho các trường ĐH, CĐ lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Sau đó, các trường lại cho thí sinh phải thi thêm các điều kiện, tiêu chí phụ khác.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương cao không có gì là bất thường
Về ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia để đỡ tốn kém kinh phí ngân sách tổ chức thi của các địa phương, tốn kém cho xã hội, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, kỳ thi năm nay cơ bản đã thành công tốt đẹp, các địa phương nên theo lộ trình đổi mới thi cử của Bộ GD- ĐT và hãy chờ đợi những đổi mới khởi sắc hơn ở những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định |
Chia sẻ về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, Nam Định là địa phương có điểm bình quân kỳ thi THPT Quốc gia là 5,86, cao nhất toàn quốc; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,53% và từ nhiều năm nay đều nằm trong top dẫn đầu có lượng học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao. Tỷ lệ và chất lượng thí sinh đỗ tốt nghiệp đã ổn định trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, có được thành quả ổn định, bền vững này là do địa phương luôn chú trọng đến chất lượng giáo dục.
Cũng theo ông Dũng, không riêng gì Nam Định mà nhiều địa phương khác, trong đó có các tỉnh miền núi đạt tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 90% là không có gì bất thường. Bởi lẽ, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, từ khâu tổ chức, coi thi và chấm thi đều được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình. Mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh được phát 24 mã đề khác nhau nên tình trạng quay cóp, trao đổi bài hầu như không có.
Ông Nguyễn Tiến Dũng nhận định, một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và việc chấm thi đều khách quan đúng quy trình thì kết quả phản ánh đúng với thực chất trình độ của thí sinh.
Việc đỗ tốt nghiệp THPT của thí sinh không chỉ có kết quả các môn thi THPT Quốc gia mà còn căn cứ thêm kết quả học lực của học sinh trong lớp 12 nữa.
“Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vừa có 2 mục đích là để xét tốt nghiệp THPT và lấy làm căn cứ xét tuyển ĐH nên học sinh có mức học trung bình là có thể đỗ tốt nghiệp. Còn việc các em có vào được ĐH, CĐ hay không là còn sự xét tuyển của các trường. Vì vậy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương cao là không có gì bất thường”- ông Dũng nhấn mạnh./.