Điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển
Một góc đảo Đá Tây A (quần đảo Trường Sa) |
Nằm trong khu vực thuộc đảo Đá Tây A, Trung tâm DVHCNC được đầu tư khá khang trang, hiện đại. Trung tâm sở hữu một âu tàu rộng rãi (có sức chứa khoảng 200 chiếc) giúp tàu bè của ngư dân có thể tránh trú bão và neo đậu sửa chữa, tiếp dầu, nước ngọt. Việc ra đời Trung tâm là nhằm mục đích cung ứng các dịch vụ hậu cần (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu…) phục vụ tàu thuyền của bà con ngư dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp nhận sửa chữa các tàu thuyền bị hư hỏng nhỏ, cứu hộ cứu nạn trên biển. Ngoài ra, còn cung cấp nước ngọt miễn phí, tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn chỗ nghỉ cho ngư dân bị đau ốm, bệnh tật. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, phối hợp với các lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tàu thuyền của ngư dân thường xuyên vào âu tàu thuộc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tránh trú, neo đậu tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm và sửa chữa. |
Được phép của Ban Quản lý, anh Dương Đình Vinh, nhân viên Xưởng cơ khí (quê ở huyện Định Hóa - Thái Nguyên) đã dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh Trung tâm. Anh bảo: Trang thiết bị ở đây tuy không thể như trong đất liền, song cũng khá đầy đủ và hiện đại, có thể phục vụ hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển của ngư dân. Hệ thống kho chứa hàng, bồn chứa dầu, nước ngọt rồi phòng làm việc, máy phát điện phục vụ sửa chữa tàu thuyền cùng các thiết bị cứu hỏa, phao cứu sinh, thiết bị lặn, thông tin liên lạc… đều được trang bị đầy đủ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm có cả một đội tàu dịch vụ, trong đó phân công rõ tàu làm nhiệm vụ dẫn luồng giúp tàu ngư dân di chuyển vào neo đậu trong âu tàu. Một đội tàu khác chuyên vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo đồng thời làm dịch vụ bán hàng lưu động trên biển và cứu hộ, cứu nạn khi tàu ngư dân gặp khó khăn. Ngoài ra, tiến hành thu mua hải sản ngay trên biển cho bà con và thực hiện nhiệm vụ đẩy đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trung tâm cũng cắt cử đội tàu canh trực ở các điểm đảo khác nhau để kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, dầu nhớt, nước ngọt cho ngư dân của ta. Mặt khác, các tàu trực sẵn sàng làm nhiệm vụ tuần tra, cứu hộ hàng hải trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, Trưởng ban Quản lý Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây, ông Chu Minh Sơn rất tự hào cho biết, đơn vị có một đội ngũ cán bộ, công nhân viên dày dặn kinh nghiệm làm việc trên biển, luôn chấp hành tốt kỷ luật, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn. Trong những năm qua, Trung tâm đã phục vụ, giúp đỡ và trở thành “phao cứu sinh” cho hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân, được bà con tin tưởng, khen ngợi. Theo ông Chu Minh Sơn, Trung tâm đã cung ứng nhu yếu phẩm, lương thực, nhiên liệu cho ngư dân bằng với giá bán trong đất liền, đặc biệt miễn phí tiền công sửa chữa tàu thuyền cho bà con khi bị hư hỏng. Năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận trên 700 lượt tàu thuyền vào tránh trú, trong đó có trên 400 lượt vào tiếp nhận hàng hóa, nhiên liệu (với trên 1.500m3 nước ngọt, gần 300 nghìn lít dầu, khoảng 22 tấn lương thực, thực phẩm), 21 tàu bị hư hỏng vào sửa chữa. Trung tâm cũng tiếp nhận, chăm lo sức khỏe và chuyển 15 ngư dân thuộc tàu Quảng Ngãi gặp nạn do chìm tàu về đất liền.
Ông Hoàng Quang Đông, một chủ tàu ở tỉnh Quảng Ngãi đang có tàu neo đậu tại đảo Đá Lớn A chia sẻ: Mỗi lần đánh bắt dài ngày trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi đều phải vào tránh trú, neo đậu tiếp nước ngọt, nhiên liệu và thực phẩm tại Trung tâm ít nhất một lần. Việc được tiếp tế ngay ngoài khơi giúp ngư dân chúng tôi giảm chi phí, kéo dài thời gian đánh bắt và tăng thu nhập… Qua lời tâm sự chân chất, thật thà của ngư dân Hoàng Quang Đông, chúng tôi hiểu tại sao mỗi ngư dân đều xem Trung tâm DVHCNC như ngôi nhà thứ hai của mình ở ngoài khơi xa. Bởi chính hoạt động dich vụ hậu cần chu đáo ngoài biển đã giúp họ có thêm sức mạnh, động lực để vươn khơi dài ngày, khẳng định sự hiện diện dân sự thường xuyên của chúng ta trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Anh Dương Đình Vinh, nhân viên Xưởng cơ khí thuộc Trung tâm DVHCNC: Là người con Thái Nguyên vinh dự công tác tại quần đảo Trường Sa, dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, có lúc phải đánh đổi bằng tính mạng, tôi vẫn nguyện hết lòng phục vụ Tổ quốc, bảo vệ ngư dân, giúp đỡ bà con đến cùng./.