* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như:

Canada khởi động tiến trình dỡ bỏ quy định hạn chế ở biên giới: Từ ngày 5/7, các công dân Canada và người thường trú dài hạn tại quốc gia Bắc Mỹ này, nếu đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ không phải cách ly khi nhập cảnh Canada. Sau gần 16 tháng siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, Canada đang bắt đầu nới lỏng các quy định, nhưng chỉ dành cho một số ít đối tượng cụ thể. Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, kể từ ngày 5/7, các công dân Canada và người thường trú dài hạn tại quốc gia Bắc Mỹ này, nếu đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa COVID-19 được chấp thuận sử dụng ở Canada, sẽ có thể không phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Canada. Hành khách đủ điều kiện nhập cảnh, khi vào Canada qua đường hàng không cũng sẽ được miễn thực hiện quy định cách ly trong 3 ngày đầu tiên tại một khách sạn được chính phủ phê duyệt.

Nhật Bản: Vẫn còn hơn 100 người mất tích sau trận lở đất kinh hoàng:

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tính đến sáng 5/7, số người chưa được xác nhận an toàn sau trận lở đất diễn ra vào sáng ngày 3/7 tại thành phố Atami, tỉnh Shizuoka là 113 người, song công tác tìm kiếm và cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do khu vực này vẫn xảy ra mưa lớn trong ngày hôm nay. Trong cuộc họp báo vào đêm 4/7, Thị trưởng thành phố Atami, ông Sakae Saito, cho biết sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan cứu hộ của địa phương này nhận được thông tin không thể liên lạc được với 20 người, tuy nhiên con số thực tế rất khó xác định vì ước tính 215 người sinh sống tại khu vực bị ảnh hưởng do vụ sạt lở đất đã đăng ký với cơ quan quản lý cư trú, trong khi mới có 102 người đã được tìm thấy, còn 113 người chưa được xác nhận an toàn.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 05/7 đến ngày 11/7/2021
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau vụ lở đất do mưa lớn ở Atami, tỉnh Shizuoka, Tây Nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/7/2021. (Ảnh: Jijipress)

Tuy nhiên, công tác cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn do mưa lớn được dự báo vẫn tiếp diễn trong ngày 5/7 và có thể kéo dài trong vài ngày tới, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục xảy ra lở đất, ảnh hưởng đến an toàn của nhân viên cứu hộ.

Tổng thống Mỹ kêu gọi người dân đi tiêm chủng ngừa COVID-19: Tổng thống Biden cảnh báo không nên quá tự tin trong cuộc chiến chống COVID-19 do biến thể Delta là một trong những nguyên nhân làm tăng số ca COVID-19 ở những khu vực ít được tiêm chủng hơn tại Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/7 đã kêu gọi người dân đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh Nhà Trắng phát đi tín hiệu về sự chuyển hướng chiến thuật nhằm tiếp cận những người chưa tiêm phòng. Tổng thống Biden đã nêu hàng loạt biện pháp mà chính quyền của ông đang triển khai thực hiện để làm cho vaccine ngừa COVID-19 dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là việc tập trung vào tiêm vaccine cho những người trẻ tuổi. Nhóm ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng đang lên kế hoạch phân phối nhiều vaccine hơn tới phòng khám của bác sỹ và bác sỹ nhi khoa để các cá nhân, đặc biệt là những người từ 12-18 tuổi, có thể tiếp cận với các mũi tiêm.

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn:

Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam: Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh, đồng thời khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vaccine hằng năm. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là sự cố gắng rất lớn.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 05/7 đến ngày 11/7/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây. Theo đó, thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vaccine được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng. Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân. Chiến dịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Tốt nghiệp THPT, gần 24.000 thí sinh không thể dự thi vì COVID-19: Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ngày thi thứ nhất đã có 23.786 thí sinh không thể dự thi đợt một vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 05/7 đến ngày 11/7/2021

Thí sinh được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào điểm thi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước đó, Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến chiều ngày 6/7, số thí sinh không thể dự thi vì dịch bệnh là gần 14.400 em. Như vậy, trong ngày hôm nay đã có thêm gần 9.400 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và triển khai các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.

Việt Nam có thêm 4,6 triệu USD để phát triển khu vực tư nhân: Khoản viện trợ không hoàn lại của ADB dành cho Việt Nam sẽ cung cấp tư vấn về chính sách, giúp chuẩn bị dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực thể chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Từ năm 2011 tới 2020, Việt Nam đã đầu tư khoảng 117 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước khác trong khu vực. Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 237 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 tới 2030 để bù đắp sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng; con số này cao hơn 49 tỷ USD so với quỹ đạo chi tiêu trước đây. Nhận thấy tiềm năng của khu vực tư nhân trong việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của Việt Nam đã ưu tiên gỡ bỏ những rào cản để mở cửa cho cạnh tranh và xây dựng một môi trường hỗ trợ nhằm tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế, gồm cả vai trò lớn hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ kỹ thuật mới của ADB sẽ giúp tư vấn chính sách về PPP và phát triển khu vực tư nhân, thí điểm những dự án áp dụng các nguyên tắc G20 về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, và tăng cường năng lực thể chế về PPP và phát triển khu vực tư nhân.


* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý:

Phiên họp thứ nhất Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026: Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện quy trình phê chuẩn Ủy viên của các Ban HĐND tỉnh; thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và chỉ định Tổ trưởng, Tổ phó các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV , nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, thành lập 9 tổ đại biểu HĐND tỉnh với 66 đại biểu ở 9 huyện, thành phố, thị xã. Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý về các dự thảo, nghị quyết, quyết định, quy chế làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, quy định thực hiện lịch tiếp xúc cử tri, giám sát kiến nghị cử tri; nội quy kỳ họp HĐND.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 05/7 đến ngày 11/7/2021

Toàn cảnh Phiên họp thứ nhất Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kết luận phiên họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cần tích cực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp. Xây dựng quy chế làm việc theo đúng luật định, trên tinh thần chặt chẽ, hiệu quả, đổi mới, chuyên nghiệp. Đồng thời đề nghị các ban của HĐND tỉnh tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, nghị quyết, quy chế làm việc theo ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp.

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc theo hình thức trực tuyến. Dự lễ phát động tại điểm cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự lễ phát động tại điểm cầu Thái Nguyên, có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 05/7 đến ngày 11/7/2021

Điểm cầu Thái Nguyên.

Vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Thái Nguyên thuộc nhóm địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư. Bởi vậy, để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên diện rộng, Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó tập trung triển khai khám sàng lọc cho các đối tượng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị y tế.

Khẩn trương rà soát người từ các tỉnh, thành phố đang có diễn biến dịch phức tạp đến tỉnh Thái Nguyên: UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn chỉ đạo các biện pháp khẩn trương rà soát người từ các tỉnh, thành phố đang có diễn biến dịch phức tạp đến tỉnh Thái Nguyên. Công văn nêu rõ, từ 00h00’ ngày 09/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp cách ly xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, có những trường hợp người dân rời Thành phố Hồ Chí Minh trước thời điểm quy định này có hiệu lực để đi đến các địa phương khác. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn đang có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tăng cường kiểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp từ các địa phương khác đến tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 05/7 đến ngày 11/7/2021
Kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố đang có diễn biến dịch phức tạp đến tỉnh Thái Nguyên.

Yêu cầu lái xe và từng người trên xe phải khai báo y tế trung thực, cung cấp thông tin đầy đủ; kịp thời áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 theo quy định. Các Tổ COVID-19 cộng đồng khẩn trương thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; kịp thời phát hiện, cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng đến tỉnh Thái Nguyên; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện bao che, không khai báo hoặc khai báo không trung thực, không thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí chỉ được phục vụ khách từ 5h00’ đến 22h00 hàng ngày.