Điểm sự kiện từ ngày 4/9 đến ngày 10/9/2023
* Trong tuần, Thainguyentv.vn cũng đăng tải nhiều thông tin trong nước quan trọng. Trong đó, nổi bật là những thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
- Ngày 10/9, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. đến Thủ đô Hà Nội, thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chiều tối 10/9, ngay sau cuộc Hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã phát biểu với báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ và quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Theo đó, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Phát biểu với báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hai bên thống nhất cho rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả kể từ khi bình thường hóa quan hệ và sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
Tổng Bí thư nêu rõ, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản, định hướng quan hệ hai nước thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai bên cũng nhấn mạnh, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng những lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản luôn có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường, thịnh vượng”.
Các nội hàm của mối quan hệ hợp tác mới kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ phối hợp triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
Hai bên đã thông tin cho nhau về tình hình hai nước, bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực và kết quả tích cực đạt được về phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước. Đối với các tình hình phức tạp và xung đột quốc tế, Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Tổng thống Joe Biden cảm ơn sự tiếp đón nồng ấm và chân tình mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phía Việt Nam đã dành cho Đoàn vào thời điểm mang tính lịch sử này. Hai bên nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng, hòa bình, hợp tác, phát triển.
Tổng thống Joe Biden bày tỏ vui mừng hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là bước đi quan trọng, làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn; mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước; thúc đẩy trao đổi giáo dục.
* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Phát huy vai trò công tác thi đua góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; Hội nghị toàn quốc triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 9/2023; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính...
- Ngày 8/9, tại trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 8 tháng năm 2023 Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị |
Trong 8 tháng năm 2023, kế hoạch, chương trình công tác thi đua, khen thưởng trong Khối thi đua được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng đề ra. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính Phủ phát động, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị… Từ đầu năm đến nay, Khối đã thực hiện một số hoạt động: Tổ chức Giải thể thao Khối thi đua, Hội nghị trao đổi nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng… Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Khối đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm đổi mới nội dung, hình thức, chú trọng nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự vui mừng khi Thái Nguyên được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị của Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương. Đồng chí đã giới thiệu tới các đại biểu tiềm năng, thế mạnh, kết quả xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị thuộc Khối.
- Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ nhất với các tỉnh, thành phố. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND và các sở, ngành, địa phương.
Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời định kỳ hoặc đột xuất làm việc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, công tác CCHC luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của cả hệ thống chính trị. Đến nay, 100% bộ phận một cửa cấp huyện, xã được đầu tư phòng làm việc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia; Công tác cải cách thể chế, cải cách tài chính công, cải cách chế độ công vụ và tổ chức bộ máy Nhà nước được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
* Những thông tin: Trung Quốc, Nam Phi hợp tác nghiên cứu Mặt Trăng; Động đất ở Maroc; Khủng hoảng gạo ở Philippines gây báo động về lạm phát toàn cầu; Dự báo nhiều cảng lớn sẽ chìm trong nước biển vào năm 2050... là những chủ đề thế giới nổi bật trong tuần.
- Giá gạo tăng ở Philippines có thể là tín hiệu cảnh báo đối với các nhà nhập khẩu lương thực lớn, khi hậu quả từ lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục lan rộng khắp châu Á và Tây Phi.
Công nhân kiểm kê gạo bên trong nhà kho dự trữ của chính phủ tại tỉnh Bulacan, Philippines. (Ảnh: Bloomberg) |
Lạm phát gạo ở quốc gia Đông Nam Á này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm vào tháng 8 vừa qua. Ngân hàng trung ương Philippines cảnh báo sẵn sàng tiếp tục thắt chặt tiền tệ nếu cần, trong khi các nước khác đang gấp rút bảo đảm nguồn cung.
Lệnh cấm của Ấn Độ đã gây đảo lộn thị trường lương thực và khiến các quốc gia lo lắng về việc bảo đảm nguồn cung. Cùng lúc đó, các chính phủ phải nỗ lực kiềm chế giá gạo gia tăng.
Đảm bảo nguồn cung gạo là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, buộc các nhà lãnh đạo phải khẩn trương hành động. Do đó, Philippines đang lên kế hoạch về một hợp đồng 5 năm với Việt Nam.
Senegal đang tiến hành các đề nghị ngoại giao với Ấn Độ, tương tự cách thức mà các nước Guinea và Singapore thực hiện để bảo đảm nguồn cung.
Indonesia ký thỏa thuận cung cấp với Campuchia lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Bản hợp đồng có khối lượng lên tới 250.000 tấn mỗi năm, gấp đôi khối lượng của hợp đồng tương tự vào năm 2012.
Nhiều quốc gia cũng đang thực hiện các bước để ngăn chặn giá gạo gia tăng. Malaysia đã áp đặt giới hạn mua hàng và bắt tay vào việc kiểm tra các nhà bán buôn và nhà xay xát thương mại, trước những cáo buộc rằng gạo trong nước đang bị bán dưới dạng gạo nhập khẩu với giá cao hơn.
Myanmar cũng đã áp đặt một hệ thống bắt buộc ghi lại khối lượng gạo dự trữ để kiểm soát giá trong nước và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Cần cảnh giác với an ninh lương thực toàn cầu. Đó là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế.
- Một số cảng biển lớn nhất thế giới sẽ không thể sử dụng được vào năm 2050 do mực nước biển dâng cao ảnh hưởng tới hoạt động tại các cảng.
Theo Báo cáo xu hướng hàng hải toàn cầu 2050, một số cảng lớn nhất thế giới, trong đó có cảng ở Thượng Hải (Trung Quốc), Houston (Mỹ) và Lazaro Cardenas của Mexico, nhiều khả năng sẽ không thể sử dụng được vào năm 2050 khi mực nước biển dâng cao 40 cm. Các cảng chính như Rotterdam (Hà Lan) cũng nằm trong diện nguy hiểm.
Có khoảng 33% trong số 3.800 cảng biển toàn cầu thuộc vùng nhiệt đới, có nguy cơ cao chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu.
Các cảng dễ bị ảnh hưởng như Thượng Hải có thể thiết lập hệ thống phòng chống lũ tương tự mô hình đê chắn Maeslant (Hà Lan) và hay đê chắn trên sông Thames ở London (Anh). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và tốn kém. Vì vậy, báo cáo đề xuất, các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hiệu quả và khả năng chống chịu của các cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu ngày càng tăng.