* Trong tuần, thế giới sôi động với sự kiện World Cup 2022 với hàng loạt trận thi đấu vòng bảng; Khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần 43; Liên minh châu Âu không thống nhất được mức trần giá khí đốt; Các nước tăng mạnh trữ vàng thoi sau khi phương Tây đóng băng tài sản Nga;…

Sáng 21/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” đã chính thức khai mạc với sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước thành viên AIPA.

Khai mac Dai hoi dong Lien nghi vien cac quoc gia Dong Nam A lan 43 hinh anh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh chung với các trưởng đoàn và đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự phiên khai mạc.

Đây là Đại hội đồng AIPA đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau hai kỳ đại hội đồng liên tiếp được tổ chức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19.

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã gửi Thông điệp tới Đại hội đồng AIPA-43, cho rằng chủ đề của Đại hội đồng “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” rất phù hợp với tình hình hiện tại mà khu vực ASEAN đang phải đối mặt.

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum nhấn mạnh quan hệ đối tác nghị viện cần được củng cố hơn nữa để hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN có thể mang lại lợi ích cho tất cả các dân tộc, cho hiện tại và các thế hệ mai sau.

Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Campuchia, Chủ tịch ASEAN Samdech Techo Hun Sen bày tỏ vui mừng khi trong vòng 3 năm qua, ASEAN đã cùng nhau hợp tác và đồng lòng khống chế thành công đại dịch COVID-19, trên tinh thần hiểu biết, giúp đỡ nhau, đặc biệt là sau khi khống chế thành công dịch bệnh đã mở cửa đất nước và bắt đầu khôi phục lại nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch AIPA-43 Samdech Heng Samrin nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của AIPA-43 khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập AIPA và 55 năm Ngày thành lập ASEAN.

Trong nửa thế kỷ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại và thách thức, nhưng ASEAN tiếp tục giữ vững ổn định, hòa bình và phát triển trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác chặt chẽ cho đến ngày nay.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một ASEAN bền vững, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin cho rằng cần có những nỗ lực chung của ASEAN nhằm mang lại sự phục hồi thúc đẩy các yếu tố như: chống biển đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đầu tư xanh, tài chính xanh và công bằng.

Các cơ quan lập pháp phải đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mô hình phát triển mới, trong đó tính đến sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế bao trùm và tính bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin nhấn mạnh cần thúc đẩy sự tham gia của thanh niên ASEAN vào quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách ở tầm quốc gia và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia mong muốn, các cuộc thảo luận tại Đại hội đồng AIPA-43 cần hướng đến hành động và giải quyết vấn đề nhiều hơn.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thông điệp đến Đại hội đồng AIPA-43, đánh giá cao tiến trình hợp tác và phát triển vững mạnh của AIPA trong thập kỷ qua và sự đóng góp, ủng hộ tích cực của các Nghị viện thành viên AIPA đối với Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm tại các khuôn khổ hợp tác đa phương, cả trên phương diện hành pháp và lập pháp.

Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ cho tiến trình hợp tác và phát triển của AIPA, vì một Cộng đồng ASEAN tự cường, bao trùm và phát triển bền vững.

Các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/11 đã không nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Lien minh chau Au khong thong nhat duoc muc tran gia khi dot hinh anh 1
Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Konstantinos Skrekas, Bộ trưởng Công thương CH Séc Jozef Sikela và Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa trao đổi trước cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU ở Brussels, Bỉ ngày 24/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Bộ trưởng Công thương CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, Jozef Sikela cho biết các bộ trưởng EU đã nỗ lực thông qua một số “biện pháp quan trọng khác”, trong đó có việc mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU dẫn đến tăng giá, đoàn kết trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Một số bộ trưởng tham dự cuộc họp ngày 24/11 phàn nàn về đề xuất giá trần khí đốt mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố 2 ngày trước đó, cho rằng đề xuất này rõ ràng không khả thi. Theo ông Sikela, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để nỗ lực thu hẹp các bất đồng.

Kế hoạch giới hạn giá đặt ra ngưỡng tối đa 275 euro/MWh. Tuy nhiên, mức giá này đi kèm theo rất nhiều điều kiện, đến nỗi mức giá này đã không được áp dụng vào tháng 8 vừa qua khi giá khí đốt tăng vọt lên mức 300 euro trong thời gian ngắn, qua đó cảnh báo châu Âu về những mức giá lịch sử chênh lệch khoảng 10% so với mức giá này.

Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.

Kế hoạch giới hạn giá, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai đồng thời với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông ở Bắc Bán cầu.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội.

Ngày 23/11/2022 (giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quân sự Villamor ở thủ đô Malina, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Philippines theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri.

Chu tich Quoc hoi Vuong Dinh Hue bat dau tham chinh thuc Philippines hinh anh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các Hạ nghị sỹ Philippines. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tham dự đoàn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; và Đại sứ Việt Nam tại Philippines Hoàng Huy Chung cùng tham gia đoàn.

Chuyến thăm được thực hiện ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia và dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 do Campuchia đăng cai tổ chức từ ngày 19-22/11.

Đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại sân bay quân sự Villamor có Đại sứ Việt Nam tại Philippines Hoàng Huy Chung, cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.

Về phía Philippines có Thượng nghị sỹ, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Philippines-Việt Nam Ronald De la Rosa; Tổng Thư ký Thượng viện Renato N.Bantug Jr; Tổng Vụ trưởng Lễ tân và Hợp tác quốc tế Antonio G.De Guzman Jr...

Đây là chuyến thăm chính thức Philippines đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2022 và của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 16 năm, đồng thời là một trong những chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Quốc hội nước ngoài đến Philippines, sau khi Philippines tổ chức thành công tổng tuyển cử (5/2022) và có ban lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện mới (7/2022).

Tiếp nối những kết quả đạt được trong hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines tiếp tục phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.

Hợp tác thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 6,8 tỷ USD, cao nhất trong các năm qua; trong 9 tháng năm 2022 đạt hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn khá khiêm tốn.

Hợp tác về nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển, nhất là xét trong bối cảnh Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trong khu vực trong khi Philippines là nước đông dân thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... đang dần khởi sắc trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Việt Nam là một trong 3 đối tác chiến lược của Philippines (cùng với Mỹ, Nhật Bản).

Theo chương trình dự kiến, cùng với việc thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo cấp cao Philippines sẽ trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines nói chung và quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nói riêng.

Đặc biệt, một trong các trọng tâm trong chuyến thăm là thông qua kênh nghị viện để rà soát, thúc đẩy xây dựng các chính sách pháp luật làm đòn bẩy cho hợp tác kinh tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm.

Chiều 25/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2022 để xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và một số dự án luật khác.

Phien hop Chinh phu chuyen de xay dung phap luat thang 11 hinh anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tháng 10/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội 14 Luật, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua 6 Luật, cho ý kiến 7 Luật và chỉnh lý một dự án Luật.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2022 tiếp tục bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung để hoàn thành chương trình định kỳ hằng năm.

Đặc biệt, các Bộ trưởng, trưởng ngành căn cứ tình hình thực tiễn, xem xét có gì vướng mắc, nhất là đối với những vấn đề mà luật pháp chưa quy định nhưng thực tiễn đòi hỏi để bổ sung, tháo gỡ.

“Xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Do đó, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, dành thời gian, nguồn lực, công sức thỏa đáng cho xây dựng pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác này, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp và tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; tránh việc luật pháp vừa được xây dựng đã phải chỉnh sửa."

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý trên các lĩnh vực, nổi bật là: Hoạt động tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV...

Chiều 21/11, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên, đại biểu HĐND TP Phổ Yên tiếp xúc cử tri phường Đắc Sơn (TP Phổ Yên) trước Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa XIV và Kỳ họp thứ mười hai, HĐND TP Phổ Yên khóa II.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc cử tri thành phố Phổ Yên
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc cử tri thành phố Phổ Yên

Các cử tri đã được thông tin kết quả các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh và TP. Phổ Yên; báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và TP. Phổ Yên năm 2023; dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh và Kỳ họp thứ mười hai, HĐND TP. Phổ Yên; kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong thời gian qua.

Phát biểu trước cử tri phường Đắc Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của cử tri với các đại biểu HĐND thời gian qua; mong muốn cử tri tiếp tục tin tưởng vào sự công tâm, minh bạch trong tiếp thu, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của cử tri. Đồng chí đề nghị lãnh đạo thành phố Phổ Yên khẩn trương rà soát các vấn đề cử tri đã nêu thuộc thẩm quyền, đặc biệt chỉ đạo giải quyết ngay vấn đề thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người đã mất được cử tri Đắc Sơn kiến nghị, thời hạn chậm nhất trước ngày 30/11/2022; vấn đề cấp quyền sử dụng đất đối với một số diện tích đất người dân đã nhiều lần đề nghị xong chưa được giải quyết. Các ý kiến khác được tiếp thu để giao các cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 24/11, dưới sự chủ trị của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Hội nghị BTV Tỉnh ủy lần thứ 39, Khóa XX đã thảo luận và cho ý kiến đối với định hướng phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Thảo luận, cho ý kiến vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị
Hội nghị BTV Tỉnh ủy lần thứ 39, Khóa XX

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: số lượng nội dung cần thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị lần này rất nhiều và đều đều rất quan trọng, có tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong năm 2023 và những năm tới đây. Chính vì vậy, các đại biểu đã tập trung thảo luận nghiêm túc, đặc biệt là đánh giá đúng thực trạng, làm rõ những kết quả đạt được, cũng như tồn tại, hạn chế đề ra trong dự thảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách Nhà nước tỉnh…

Hội nghị cũng cho ý kiến vào nhiều chủ trương quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm như: Điều chỉnh danh mục dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; giao biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2023 và Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, thảo luận đối với 17 nội dung thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ mười sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý về mặt chủ trương và giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại hội nghị; chỉ đạo bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung văn bản trình HĐND tỉnh khóa 14 xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đồng chí lưu ý, đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023, cần tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành; bảo đảm đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì cần cân nhắc thật kỹ, nhất là yếu tố tác động tới môi trường…

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ tăng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; kiểm tra đột xuất thực tế tiến độ triển khai một số dự án, công trình đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách để kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý đối với dự án chậm triển khai, chậm tiến độ.

Ngày 22/11, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dự và phát biểu tại hội nghị triển khai giải pháp thực hiện công tác thu ngân cách Nhà nước 2 tháng cuối năm của Cục thuế tỉnh.

Triển khai công tác thu ngân sách 2 tháng cuối năm 2022
Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đột xuất, tặng Bằng khen cho 5 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thu ngân sách 10 tháng năm 2022

Đến hết tháng 10, toàn ngành thuế tỉnh Thái Nguyên thu ngân sách Nhà nước đạt trên 12.350 tỷ đồng, bằng 98% dự toán pháp lệnh và bằng 79% dự toán tỉnh giao, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt được kết quả trên, ngành thuế tỉnh đã chủ động bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời nâng cao chất lượng tham mưu, điều hành thu ngân sách nhà nước, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và cụ thể hoá các nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 thành các nhóm giải pháp chuyên sâu.

Đáng chú ý, thông qua công tác thanh, kiểm tra, 10 tháng năm 2022, tổng số tiền truy thu sau thanh tra, kiểm tra, xử phạt vào ngân sách Nhà nước là 282 tỷ đồng, bằng 275% so với số truy thu của năm trước. Đánh giá những kết quả đạt được, ngành thuế tỉnh đề ra giải pháp cụ thể, trong đó, phấn đấu 2 tháng cuối năm thu ngân sách Nhà nước đạt tối thiểu 3.300 tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của ngành thuế trong công tác thu ngân sách năm 2022. Đồng chí yêu cầu, trong 2 tháng cuối năm, ngành thuế cần đoàn kết, nỗ lực và quyết liệt hơn nữa, phấn đấu hoàn thành vượt mức thu ngân sách Nhà nước năm nay.

Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã khen thưởng đột xuất, tặng Bằng khen cho 5 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thu ngân sách 10 tháng qua./.