Điểm chuẩn trường đại học tốp đầu ở Hà Nội sẽ giảm từ 2- 3 điểm
Chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh: "Năm nay, nếu đạt 15 điểm thì cứ mạnh dạn đăng ký ngành 16-17 điểm, vì năm nay xu hướng chung là giảm điểm chuẩn". |
Nhận định chung về phổ điểm thi năm nay, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, so sánh với phổ điểm các môn thi tương ứng năm 2017 thì biểu đồ phần điểm trên trung bình của tất cả các môn có xu hướng thoải hơn (trừ môn Toán), điều này tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.
Riêng môn Toán, biểu đồ phổ điểm năm 2018 phía bên phải điểm trung vị dốc hơn hẳn phổ điểm năm 2017, điều này cho thấy mức độ phân hóa của đề thi môn Toán năm nay cao hơn năm 2017, đề thi cũng khó hơn đúng như dư luận phản ánh, thực tế thì cả nước chỉ có 2 điểm 10 Toán so với “mưa điểm 10” năm 2017 (gần 300).
Năm nay với các khối lấy môn Toán làm môn xét tuyển, sẽ không còn lo chuyện thêm tiêu chí phụ khi tuyển sinh nữa. Với 26 điểm hầu như các em có thể chọn được bất kỳ trường nào các em muốn vào.
Bên cạnh đó với mức điểm từ 21 đến 24 điểm do số lượng học sinh lớn nên thí sinh muốn vào trường tốp trên rất khó chọn các trường như mình mong muốn.
Phân tích về điểm thi các khối (A, A1, B, C, C01, D) , ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT cho hay, các môn Toán, Ngữ văn, Vật lí, Địa lí có điểm trung bình trong khoảng (5; 6). Các môn Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tiếng Anh có điểm trung bình trong khoảng (4;5). Các môn Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Địa lí, số lượng thí sinh có điểm trên trung bình đều trên 50%.
Tổng điểm theo các khối thi có độ phân tán cao, phân hóa tốt hơn so với tổng điểm theo các khối thi của năm 2017. Điểm trung bình của tổng điểm của các khối thi được phân tích đều lớn hơn 15.
Phổ điểm thi môn Toán THPT quốc gia 2018 |
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh về cơ bản có phổ điểm chấp nhận được. Tuy nhiên số thí sinh đạt điểm cao trên 7.0 giảm nhiều so với năm 2017, do đó các trường top trên xét tuyển theo các tổ hợp với các môn này sẽ phải giảm điểm chuẩn từ 2-3 điểm so với năm 2017 để mong đạt đủ chỉ tiêu do nguồn tuyển "chất lượng" không dồi dào.
Đối với phổ điểm môn tiếng Anh thấp (số đông thí sinh nhất có điểm từ 2,60 -3 ,60), ông Điền cho rằng, điểm chuẩn của các trường đối với các tổ hợp môn xét tuyển có tiếng Anh (thí dụ A01, D01) sẽ giảm ít nhất 2-3 điểm theo thang 30.
Với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo ông Điền, với những ngành từ 25 đến 28 điểm của năm 2017, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm 2 điểm;
Với những ngành năm 2017 có điểm chuẩn từ 24 điểm trở xuống, điểm chuẩn năm nay có thể giảm 1,5 điểm.
Ông Điền cho biết, trường dự kiến sẽ đưa ra 4 mức điểm sàn nhận hồ sơ tùy theo từng ngành từ 19 – 22 điểm.
Đối với khối trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã thông báo mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểm trở lên.
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, điểm trúng tuyển năm nay của ĐH Kinh tế quốc dân có thể giảm từ 1-3 điểm tùy theo mỗi ngành.
Còn tại trường ĐH Ngoại thương, điểm nhận hồ sơ xét tuyển đã phải hạ 1 điểm so với năm trước. Mức điểm nhận hồ sơ là 20,5 điểm. Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, chuẩn năm nay của trường sẽ thấp hơn năm ngoái theo xu hướng chung.
Trường ĐH Thương Mại, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển gồm cả điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng ≥ 16,0 điểm và không có bài thi/môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 (một) điểm trở xuống.
Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, số lượng nộp hồ sơ vào trường rất đông có hơn 50.000. Tuy nhiên, theo xu hướng chung thì mức điểm chuẩn vào trường năm nay cũng sẽ bị dao động so, giảm nhẹ ở những ngành có điểm chuẩn cao của năm trước.
Thí sinh lưu ý:
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, từ ngày 13/7/2018 đến ngày 15/7/2018, cổng thông tin tuyển sinh https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn sẽ mở để thí sinh thực hành điều chỉnh “thử” nguyện vọng Ðăng ký xét tuyển trực tuyến.
Mục đích của việc đăng ký “thử” này, theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Ðại học, Bộ GD&ÐT là để thí sinh không bỡ ngỡ trong đợt điều chỉnh nguyện vọng chính thức.
Theo đó, kết quả thực hành điều chỉnh nguyện vọng ÐKXT của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử.
Hệ thống sẽ được làm mới lại để thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng ÐKXT từ ngày 19/7/2018.
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng chính thức được quy định như sau: Ðiều chỉnh bằng phương thức trực tuyến bắt đầu từ ngày 19/7/2018 đến 17 giờ ngày 26/7/2018.
Ðiều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu bắt đầu từ 19/7/2018 đến 17 giờ ngày 28/7/2018.
Với những thí sinh điều chỉnh tăng thêm nguyện vọng sẽ phải nộp thêm tiền (30.000đ/nguyện vọng) và phải điều chỉnh bằng phiếu.
Với những thí sinh giữ nguyên số nguyện vọng, chỉ điều chỉnh thứ tự thì có thể chọn một trong hai hình thức trên và không phải nộp thêm bất cứ khoản phí nào.