Mùa mưa lũ năm trước, do diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh miền núi Sơn La đã xảy ra nhiều đợt lũ ỗng, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, tỉnh Sơn La đã đề ra nhiều phương án chủ động phòng chống thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm di dời dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao đến nơi an toàn.

di doi hang ngan ho dan khoi vung sat lo o son la
Khắc phục hậu quả của trận lũ quét.

Con suối Nậm Mạ ở xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La- nơi những năm trước đây thường xảy ra những trận lũ quét và sạt lở làm thiệt hại về người và tài sản cho bà con, nay những hộ dân ven con suối này đã được bố trí về nơi ở mới. Tuy nhiên họ vẫn chưa quên được những mất mát do bão lũ gây ra.

Ông Lò Văn Nhọt ở bản Nậm Mạ cho biết: “Năm 2017, gia đình tôi gặp trận mưa lũ quét trôi mất hết cả nhà, tài sản chả còn thứ gì chỉ còn người không thôi”.

Đầu năm nay, gia đình ông Nhọt đã được chuyển đến nơi ở mới an toàn cùng với 60 hộ dân cũng trên địa phận bản. Đây là những hộ đều đã từng chịu thiệt hại do mưa lũ, sạt lở. Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương, bản Huổi Tóng mới đã hình thành và đang dần ổn định đời sống.

Ông Lò Văn Sang ở bản Huổi Tóng nói: “Nhà nước, huyện, xã đã quan tâm cho chúng tôi đã lên bản mới. Bản mới có đường, có cầu, có chỗ ăn chỗ ở, cảm ơn Nhà nước”.

Mường La là địa phương hàng năm chịu nhiều tổn thất do thiên tai bão lũ. Ngay từ đầu năm, tỉnh, huyện và chính quyền các xã thực hiện khẩn trương kiểm tra, rà soát, di dời các hộ dân trong khu vực xung yếu, nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi ở an toàn. Tính đến thời điểm này, huyện Mường La đã bố trí di dời 302 hộ dân đến 5 xã trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: “Ngay từ đầu năm trên địa bàn huyện đã xảy ra một số trận lốc và mưa lũ, chính vì vậy huyện đã tập trung chỉ đạo chính quyền cơ sở và tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không sinh sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, nơi tụ thủy”.

Từ năm 2010 đến năm 2017, tỉnh Sơn La đã bố trí dân cư vùng thiên tai đến nơi an toàn 2.157 hộ. Mặc dù công tác di dân từ vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa di dời do nhiều lý do khác nhau.

Khó khăn về kinh phí

Con suối Nặm Păm chảy qua thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La trong trận lũ lịch sử vào cuối tháng 8/2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân trên địa bàn. Bước vào mùa mưa lũ năm nay, chính quyền địa phương đã nỗ lực để di dời những hộ dân ven suối đến nơi ở mới. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân vẫn chưa di dời do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trận mưa lũ lịch sử năm ngoái đã cuốn trôi hoàn toàn tài sản của gia đình chị Tòng Thị Oanh ở bản Nà Nong, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Lũ đến, vợ chồng chị chỉ kịp bế theo đứa con nhỏ nửa đêm vào trú trong trường học gần nhà. Chật vật mãi gia đình mới vừa sửa sang lại được ngôi nhà cũ. Tuy thuộc diện phải di dời và đã được chính quyền địa phương bố trí đất ở tại khu tái định cư mới, song tâm lý còn chủ quan, nên gia đình vẫn chần chừ chưa di chuyển, dù biết ở lại là nguy hiểm: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm cho di chuyển đến nơi ở mới nhưng gia đình tôi cũng gặp điều kiện khó khăn, bây giờ gia đình sửa lại nhà ở tạm chưa có điều kiện chuyển sang nơi ở mới. Chuyển đến nơi ở mới thì chúng tôi rất cần được hỗ trợ về vốn. Mong Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn để ổn định cuộc sống”.

Theo quy định của Nhà nước, mỗi hộ dân trong diện di dời vùng thiên tai sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nguồn kinh phí này vẫn chưa được huyện Mường La bố trí giải ngân hết. Cụ thể 60 hộ dân ở bản Huổi Tóng, xã Chiềng Lao, huyện Mường La chuyển đến nơi ở mới đầu năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa nhận hết được nguồn tiền hỗ trợ.

Ông Lường Văn Ngương ở bản Huổi Tóng cho biết: “Chuyển lên bản mới thì bà con cũng được ổn định hết rồi. Bây giờ chỉ mong Nhà nước quan tâm đến bà con đến tiền hỗ trợ di chuyển. Bây giờ bà con đã chuyển nhà rồi và phải vay mượn anh em nhưng chưa nhận được hết tiền hỗ trợ di chuyển”.

Đối với bà con vùng khó khăn thuộc diện phải di dời do thiên tai, số tiền 20 triệu đồng để di chuyển nhà cửa như gió vào nhà trống. Họ thiếu vốn để đầu tư mua trang thiết bị sản xuất. Thêm vào đó quỹ đất bố trí để mở rộng diện tích canh tác, chăn nuôi, trồng trọt cũng khó khăn vì đất đai phần lớn là nương đồi dốc. Ông Quàng Văn Hia ở xã Chiềng Lao, huyện Mường La nói: “Lúc mưa là đất sạt xuống đến nhà mà nền nhà thì là đất mượn. Nếu mà nhà nước quan tâm có chỗ ở mới thì tôi muốn chuyển đi theo bản mới”.

Thực tế hiện nay, khó khăn về kinh phí đã dẫn đến tiến độ di dân khỏi vùng sạt lở ở xã Chiềng Lao chậm so với kế hoạch đề ra. Ông Lò Văn Nguyên, cán bộ địa chính xã Chiềng Lao cho biết: “Ở xã Chiềng Lao hiện tại đã chuyển xong 3 điểm dân cư, còn một điểm ở bên Tằng Khẻ có 23 hộ chưa có điểm để di chuyển. Hiện tại chúng tôi cũng đi tìm nhưng chưa có điểm phù hợp”.

Theo kế hoạch bố trí dân cư vùng phòng tránh thiên tai của tỉnh Sơn La đến năm 2025 được phê duyệt là 3.299 hộ. Hầu hết số hộ phải di chuyển đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy chính quyền địa phương và bà con mong muốn Nhà nước tăng mức hỗ trợ di chuyển để họ có thể vừa đảm bảo cuộc sống an toàn vừa phát triển sản xuất, xóa nghèo tại nơi ở mới./.