Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018 hỏi về 'Đánh thức tiềm lực'
Đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018 như sau:
Kết thúc môn Ngữ Văn, tại Cụm thi số 28 Nghệ An, có nhiều thí sinh làm bài tốt nhưng cũng có nhiều thí sinh làm bài chưa đạt vì có nhiều câu khó.
"Đề thi năm nay có nhiều câu khó. Phải làm hết mới có điểm cao, em làm cũng chưa được tốt lắm", em Lê Đức Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ thi vào Bưu chính Viễn Thông điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ.
Em Lê Quốc Huy, thí sinh tại điểm thi Trường PTDTNT Nơ Trang Long (TX. Gia Nghĩa) cho biết: “Đề ra vừa sức, không đánh đố học sinh, phần thú vị nhất là nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh viết khoảng 200 chữ nêu ý kiến bản thân về việc phát triển tiềm lực của đất nước.
Là một trong những thí sinh hoàn thành bài thi sớm, Nguyền Thị Tường Vi, thí sinh sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) đánh giá, đề thi năm nay có cấu trúc đề thi thiên về xã hội, tức là phải am hiểu về thời sự. “So với đề thi năm ngoái, em thấy có tính phân loại cao hơn, độ khó cao hơn. Em ước tính, làm được khoảng 80% đề thi yêu cầu”, nữ sinh chuyên văn tỉnh Đắk Nông cho hay.
Bài thơ “cũ” nhưng đã “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của hiện đại
Nhận định đề thi môn Ngữ văn, giáo viên tổ Ngữ Văn của Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, nhìn một cách tổng quan, đề thi có những đối mới, điều chỉnh, không tạo ra lối mòn nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cách đặt vấn đề trong nội dung đề thi. Cụ thể như sau:
Vấn đề đọc hiểu đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” - một đoạn thơ từ thập kỉ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước.
Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có vấn đề (“vấn đề” không phải lúc nào cũng là tiêu cực) bởi xét đơn thuần ở tính logic của câu hỏi thì đây là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên”.
Tuy nhiên, câu hỏi sẽ phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh – học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.
Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận trong câu làm văn số 1 có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu; và thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đã đặt ra vấn đề sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay – và yêu cầu nghị luận ấy hướng tới mỗi thí sinh trong bài làm của mình. Yêu cầu đề bài rất cụ thể về hình thức là 1 đoạn văn; nội dung là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh – đó là một nội dung rất cụ thể hướng về cách thức/giải pháp/bài học.
Câu 2 phần NLVH đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.
Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghi luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu: khi tạo ra mối quan hệ so sánh đối chiếu giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu…Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm bài làm của học trò.