Đề án cán bộ trẻ: Liệu có ngăn chặn tình trạng quy hoạch người nhà?
Từ nhiều năm nay, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách tạo nguồn cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo (Đề án cán bộ trẻ).
Theo đó, cán bộ, công chức dưới 35 tuổi ở Đà Nẵng sẽ được cấp trên tiến cử vào những vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đề án này nhằm mục tiêu xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhận các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ và cán bộ chủ chốt thành phố. Dư luận cho rằng, Đề án này sẽ góp phần công khai công tác cán bộ, hạn chế quy hoạch người nhà.
Đề án cán bộ trẻ của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng xác định đối tượng tạo nguồn là những người đang giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, Sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện.
Trình độ chuyên môn được yêu cầu là đại học chính quy công lập hoặc tốt nghiệp bậc đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ GD-ĐT công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên; khả năng ngoại ngữ B1 châu Âu... Đặc biệt, những cán bộ trẻ trong giới thiệu quy hoạch dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia Đề án.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là một trong những cán bộ trẻ đã trải qua nhiều chức danh |
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nói chung và cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố nói riêng sẽ hụt hẫng. Vì vậy ngay từ bây giờ, phải có giải pháp mang tính đột phá.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, đề cử cán bộ độ tuổi 35 là phù hợp. Vì sau khi đưa vào quy hoạch, họ phải trải qua quá trình đi cơ sở, địa bàn khó khăn, phức tạp để thử thách, rèn luyện. Quá trình đó kéo dài từ 3-5 năm, nếu đảm nhiệm xuất sắc, khi bổ nhiệm vào vị trí chủ chốt đã hơn 40 tuổi.
“Nhiều anh em bây giờ rất giỏi chuyên môn, trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài về, thành hay bại còn do ở họ nữa, không thành họ lại trách sao lãnh đạo không tạo điều kiện. Trẻ tuổi và nữ giới là phải ưu tiên giao việc cho họ. Tôi tin là khi giao việc cho họ, họ làm rất tốt, họ rất là nhanh nhạy, cập nhật kiến thức kịp thời. Nhiều người cứ ngại giao việc cho người trẻ thì "hư bột, hư đường" không phải đâu” - ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo Đề án cán bộ trẻ vừa ban hành, các Thành ủy viên, Thủ trưởng sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể; Bí thư Quận ủy, Huyện ủy, Chủ tịch UBND quận, huyện và tương đương được tiến cử cán bộ trẻ của cơ quan, đơn vị mình hoặc trên toàn thành phố. Cán bộ được tiến cử sẽ trải qua ít nhất 3 năm thử thách, tích lũy kinh nghiệm ở những địa phương, đơn vị khó khăn, có những vấn đề nổi cộm, lĩnh vực phức tạp. Đồng thời, cán bộ tham gia Đề án cán bộ trẻ đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương.
Ông Trần Văn Minh, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Đề án cán bộ trẻ của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nêu được những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, các cơ quan chuyên môn cần có những bước sàng lọc, công khai minh bạch.
“Các cơ quan chức năng phải cụ thể hóa và làm cho công khai minh bạch. Ở đây mới gọi là tiến cử, chứ còn phải đánh giá ở tập thể của Ban Thường vụ Thành ủy, lựa chọn đưa vào vị trí công tác để rèn luyện thử thách. Anh nào mà qua rèn luyện mà có kết quả tốt thì phát triển. Anh nào qua rèn luyện mà kết quả không tốt thì sẽ có tính toán, bố trí lại. Tôi thấy đây là một chủ trương đúng đắn đối với công tác cán bộ của thành phố Đà Nẵng”- ông Trần Văn Minh nói.
Theo ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, với Đề án này, Thủ trưởng các đơn vị, những người có trách nhiệm khi tiến cử, đề cử cán bộ trẻ vào diện quy hoạch sẽ công tâm hơn. Bởi việc đề cử gắn liền với uy tín của cá nhân họ và trách nhiệm của họ trong suốt quá trình theo dõi, giúp đỡ những người được tiến cử.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng |
Cũng có ý kiến lo ngại về tình trạng tiến cử người nhà, người thân. Về việc này, ông Đặng Công Ngữ cho rằng, nếu người giới thiệu công tâm, khách quan, vô tư thì việc giới thiệu người thân, người nhà vào quy hoạch cũng bình thường với điều kiện người được tiến cử đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra. Người được tiến cử phải đủ năng lực, có đức có tài và được sự tín nhiệm cao của quần chúng.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, với Đề án cán bộ trẻ thì tên tuổi người được tiến cử gắn liền với tên tuổi người tiến cử. Vì vậy, những người được quyền tiến cử phải hết sức cân nhắc. Theo ông Bùi Văn Tiếng, nếu không yêu cầu tiến cử một cách công khai, minh bạch thì cũng dễ xảy ra trường hợp bằng cách này, cách khác, người tiến cử sẽ tác động để người thân, người nhà, người cùng phe của mình vào được vị trí, quy hoạch.
“Bây giờ rõ ràng là đòi hỏi nó gắn với trách nhiệm của mình, mình không chỉ tiến cử mà theo quy định của đề án lại còn phải tiếp tục theo dõi giúp đỡ thì rõ ràng nó còn làm chùn tay những người mà chỉ chăm chăm là đưa người nhà, người thân của mình, con cháu của mình vào vị trí”- ông Bùi Văn Tiếng nói.
Lâu nay, thành phố Đà Nẵng được biết đến với nhiều cách làm mang tính đột phá trong công tác cán bộ. Thành phố đã thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thi tuyển chức danh lãnh đạo, Đề án tạo nguồn chức danh xã phường…
Đề án cán bộ trẻ vừa ban hành hướng đến tiến cử cán bộ tuổi dưới 35 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục kế thừa thành công từ những nhiệm kỳ trước, xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ đức đủ tài, phục vụ nhân dân./.