Đà Nẵng có cơ chế tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh vừa ký ban hành đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý và cán bộ chủ chốt TP đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Cán bộ trẻ ở Đà Nẵng dưới 35 tuổi có trình độ, năng lực sẽ có cơ hội tiến cử làm lãnh đạo. Ảnh minh họa. |
Đề án nhằm mục tiêu Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhận các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ và cán bộ chủ chốt thành phố. Phấn đấu đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ đến đạt tiêu chí tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy theo quy định của Trung ương.
Đề án của Thành uỷ Đà Nẵng xác định đối tượng tạo nguồn sẽ là lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ các chức vụ từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể thành phố. Cấp quận, huyện là từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên của các cơ quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể quận, huyện. Trình độ chuyên môn được yêu cầu là Đại học chính quy công lập (bằng 1) hoặc tốt nghiệp bậc đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên; khả năng ngoại ngữ B1 châu Âu...Đặc biệt, những cán bộ trẻ chủ chốt tương lai sẽ có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia Đề án…
Trên cơ sở tiêu chuẩn, đối tượng của Đề án, các đồng chí Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và tương đương, bí thư các quận uỷ, huyện uỷ và tương đương, chủ tịch uỷ ban nhân dân quận, huyện tiến cử cán bộ công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình hoặc trên địa bàn thành phố nói chung.
Người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển; sẽ được biểu dương, khen thưởng khi cán bộ lập được thành tích và phát triển tốt, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền. Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét tiêu chuẩn lịch sử chính trị của cán bộ, riêng người tiến cử phải có trách nhiệm nắm rõ về chính trị hiện nay của cán bộ được giới thiệu.
Từ những cán bộ đã được tiến cử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo của tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị CBCCVC nơi cán bộ đang công tác, sinh hoạt đánh giá, phân loại để đào tạo, bồi dưỡng định hướng phát triển...
Theo Thành ủy Đà Nẵng đây là một khâu cực kỳ quan trọng, vì đánh giá đúng cán bộ thì mới bố trí, giao nhiệm vụ thử thách phù hợp. Trên cơ sở đánh giá cán bộ, xem xét và đề nghị đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao. Đồng thời, chọn lựa bổ sung cán bộ khác thay thế.
Để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ được tiến cử, Thành ủy Đà Nẵng sẽ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng mềm cho cán bộ tham gia Đề án. Sau mỗi khóa bồi dưỡng, mỗi cán bộ phải viết bài thu hoạch, nêu ý tưởng khi được giao nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan đơn vị. Chủ động xây dựng kế hoạch ưu tiên cử cán bộ trong Đề án tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Sau khi cán bộ trẻ được bồi dưỡng, đào tạo, cơ quan quản lý cán bộ tiếp tục đánh giá quá trình tham gia Đề án và đề xuất bổ sung cán bộ vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng chức danh theo quy hoạch.
Trong quá trình bố trí và giao việc cho cán bộ trẻ, theo đề án sẽ tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện thử thách, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn, kết hợp với công tác luân chuyển, bố trí cán bộ. Thời gian thử thách tích lũy kinh nghiệm ít nhất 3 năm trở lên; chọn những địa phương, đơn vị khó khăn, có những vấn đề nổi cộm, lĩnh vực phức tạp để thử thách. Tăng cường tổ chức cho cán bộ tham gia Đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương.
Để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án, Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết cần có những giải pháp để giải quyết các rào cản như: Có chế độ chính sách để động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi nhường vị trí lại cho cán bộ trẻ. Có phương án, kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ giữa các cấp, các ngành để tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí, giao việc, thử thách cán bộ tham gia Đề án. Nghiên cứu tăng thêm chức danh phó bí thư ở các quận uỷ, huyện uỷ, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, chức danh phó giám đốc (và tương đương) ở các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và nhưng nơi có điều kiện./.