ĐBSCL: Đầu tư hàng chục tỷ đồng chuẩn bị cơ sở vật chất trường học
Dành nhiều tiền xây dựng trường lớp
Để chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hơn 40 tỉ đồng chăm lo cơ sở vật chất trường, lớp học, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn khó khăn. Để chuẩn bị cho năm học mới, đồng chí Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan đi kiểm tra tình hình cơ sở vật chất trường, lớp học nhiều nơi trong tỉnh. Với quyết tâm tạo mọi điều kiện để huy động HS ra lớp.
Về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh nêu rõ: “Các trường lớp khi xây dựng mới phải đổ trần, lợp ngói, tường trong, ngoài phải dán gạch lên hơn 1m, các cửa làm bằng inox, nhôm… để đảm bảo cơ sở vật chất khi xây dựng xong có thể sử dụng lâu dài. Ở các hạng mục như phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ, nhà vệ sinh là phải đảm bảo đầy đủ ở các trường.
Khu nhà vệ sinh được lát gạch men của trường THCS Lý Thường Kiệt, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng là những đơn vị tham mưu chiến lược phải tính toán sao cho hợp lý để sử dụng tốt các nguồn vốn được đầu tư. Về hệ thống trường lớp, Sở GD&ĐT nên bàn bạc với các địa phương để gom các điểm trường ở gần lại nhằm đảm bảo cho việc dạy và học; ngành Giáo dục cùng các địa phương và các sở, ban, ngành phải khảo sát, kiểm tra lại mạng lưới trường lớp…”.
Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh đã và đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các công trình trường học bằng nhiều nguồn kinh phí, chú ý các công trình bức xúc, cảnh quan môi trường sư phạm. Ngoài ra, Sở GD&ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phối hợp tốt với các cấp, các ngành có liên quan và các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn để tuyên truyền vận động HS, học viên ra lớp...
Chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh Đồng Tháp đã huy động nguồn lực thực hiện sửa chữa 756 phòng học và 99 phòng chức năng của các cấp học. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, ngành GD&ĐT tỉnh còn sửa chữa, mua sắm thay thế bổ sung 239 bộ bàn ghế HS... Tổng kinh phí chuẩn bị cơ sở vật chất cho trường học các cấp trong tỉnh là gần 33 tỉ đồng.
Nhiều tỉnh thành tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Tuy nhiên với những nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ, chủ đầu tư không ngần ngại "trảm". |
Được biết, trong năm 2017, Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho khởi công xây dựng mới 284 phòng học, 317 phòng chức năng với tổng kinh phí trên 233 tỉ đồng. Hiện đã đưa vào sử dụng 198 phòng học và 299 phòng chức năng.
Năm học mới, ngành GD&ĐT tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường, lớp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được duyệt. Theo ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Ngành đã tranh thủ các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư nâng, cấp cơ sở vật chất.
Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh này đãm thực hiện sửa chữa trường, lớp học của 6 trường THPT, tổng dự toán ước trên 3,5 tỉ đồng; chuẩn bị mua sắm thiết bị mầm non vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 kinh phí 4,4 tỉ đồng; mua sắm máy tính cho các trường phổ thông kinh phí 21 tỉ đồng; mua sắm máy photocopy cho các trường kinh phí 4,2 tỉ đồng...
Không để học sinh nghèo bỏ học
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ngành GD&ĐT tỉnh Hậu Giang bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp thì đối tượng HS nghèo cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện tại các trường học trong tỉnh tiếp tục vận động quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ các em HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
“Ngành đang tiếp tục phát huy kết quả các phong trào "3 đủ", "4 đủ" để các em có hoàn cảnh gia đình có hoàn cảnh khó khăn được yên tâm đến lớp. Sở đã chỉ đạo các đơn vị phải chú ý thống kê và lập danh sách số trẻ em, HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có biện pháp hỗ trợ các em đến trường, không để xảy ra tình trạng HS vì nghèo mà bỏ học”, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, cho biết.
Tại Kiên Giang, ngoài công tác vận động học sinh ra lớp, các đơn vị trường học đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Hội Khuyến học tỉnh để tiếp sức cho học sinh khó khăn đến trường trong năm học mới.
Các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành giáo dục, đơn vị trường học không để học sinh nghèo bỏ học |
Ông Hoàng Hữu Thịnh - Chánh văn phòng Sở GD& ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Trước đầu mỗi năm học, Sở đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác phối hợp với chính quyền sở tại, kêu gọi các nhà hảo tâm đơn vị để chăm lo đối với các em học sinh có hoành cảnh khó khăn, giúp các em vững bước đến trường để không em nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Riêng những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (cha, mẹ bệnh đau…), các trường lập danh sách gửi lên Sở xem xét và hỗ trợ cho các em thông qua chương trình “Tiếp sức đến trường”. Số tiền giúp cho các em, trong khoảng từ 10-20 triệu đồng.
Còn tại TP Cần Thơ, ngành Giáo dục và các đơn vị trường học cũng tất bật cho công tác huy động trẻ đến trường, chăm lo HS nghèo. Theo thống kê của Hội Khuyến học TP Cần Thơ, đến nay đã vận động được hơn 597 suất học bổng và 1.550 phần quà, tổng trị giá gần 1,1 tỉ đồng. Các suất học bổng và quà này được đưa về các địa phương kịp thời trao cho HS vượt khó, học tốt vào đầu năm học mới; qua đó góp phần giảm tỷ lệ HS bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Trước đầu mỗi năm học, các đơn vị trường học ở các tỉnh ĐBSCL phối hợp với các DN, cá nhân, tổ chức xã hội trao tặng hàng nghìn xuất quà, học bỗng đến các em hs có hoàn cảnh khó khăn. (ảnh minh họa) |
Các quận, huyện cũng tranh thủ nguồn lực từ các ban, ngành và xã hội hóa để chăm lo cho HS nghèo. Hiện tại Hội khuyến học quận Ninh Kiều đã vận động mạnh thường quân được khoảng 10.000 quyển tập; 40 - 50 suất học bổng và 20 xe đạp dành cho HS. Ngành giáo dục phối hợp với Hội Khuyến học huyện Phong Điền đã trao 5 xe đạp, 23 suất học bổng cho HS nghèo trên địa bàn…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chăm lo cho học sinh nghèo, khó khăn là một nhiệm vụ thường xuyên của ngành, nhất là đầu mỗi năm học. Vì thế, vừa qua, Sở đã triển khai đến các đơn vị trường học tích cực tìm hiểu hoàn cảnh các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để phối hợp với chính quyền địa phương và Hội Khuyến học các cấp, tiếp sức cho các em đến trường, tuyệt đối không để học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.