Dạy trẻ tự lập sớm
6 tuổi nhưng bé Khánh Chi ở phường Đồng Bẩm đã tự làm được nhiều việc như: vệ sinh cá nhân, gấp quần áo và soạn sách vở để đi học. |
6 tuổi nhưng bé Khánh Chi ở phường Đồng Bẩm đã tự làm được nhiều việc như: vệ sinh cá nhân, gấp quần áo và soạn sách vở để đi học. Để bé có thể tự lập như vậy, ngay khi bé mới hình thành nhận thức các bố mẹ đã hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân và luôn khuyến khích, động viên con làm những công việc phù hợp với lứa tuổi.
Chị Trương Thị Thanh Hóa, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Từ khi con còn bé, tôi đã hướng dẫn con những việc phù hợp với lứa tuổi như: giúp bố mẹ gập quần áo, trông em, dọn dẹp vệ sinh nhà".
Khuyến khích là chìa khóa trong việc dạy trẻ tự lập, nên ngay từ khi con chưa vào lớp 1, chị Trần Tú Hoài ở phường Trưng Vương đã thường xuyên khuyến khích con làm mọi việc trong khả năng và luôn theo dõi, đồng hành khi con bắt đầu thử nghiệm tự làm mọi việc. Đến nay, con chị có thể làm được nhiều việc mà không cần tới sự giúp đỡ của người lớn.
Chị Trần Tú Hoài, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên cho hay: "Trong cuộc sống hàng ngày, khi con 6 tuổi, tôi bắt đầu rèn cho con tự quét nhà, lau dọn, tự sắp xếp bàn học tập".
Theo các chuyên gia, việc tạo được thói quen tốt cho trẻ là điều rất quan trọng. Ngay từ khi trẻ được 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, trẻ đã có nhận thức về mọi thứ xung quanh và muốn mình tự làm tất cả mọi việc. Theo bản năng trẻ càng lớn thì tính tự lập càng cao, sự giáo dục của gia đình là yếu tố quan trọng để hình thành thói quen cho trẻ. Vì vậy, cần có một kế hoạch hợp lí, phù hợp để trẻ tự lập một cách vui vẻ nhất.
Tiến sỹ Lê Thị Ngân, Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa, Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Một trong những điều để cho trẻ có thể trưởng thành, tự lập đó là trẻ phải tự giác. Tính tự giác đó bắt đầu từ việc nhỏ nhất như: tự giác ăn, ngủ, dọn dẹp chỗ ở của mình. Sau này, tự lo cho bản thân mình. Khi trẻ biết tự giác, trẻ sẽ có trách nhiệm với bản thân mình, người xung quanh. Nếu trẻ không tự giác sẽ đánh mất nhiều cơ hội".
Hiện nay, các trường mầm non và tiểu học thường tổ chức các tiết học kỹ năng sống hay các buổi trải nghiệm ngoài trời nhằm tạo điều kiện cho các em nhỏ khám phá thế giới xung quanh để phát triển tính tự lập. |
Cùng với gia đình, hiện nay, các trường mầm non và tiểu học cũng thường tổ chức các tiết học kỹ năng sống hay các buổi trải nghiệm ngoài trời nhằm tạo điều kiện cho các em nhỏ khám phá thế giới xung quanh để phát triển tính tự lập. Thay vì lo lắng và đi cùng con, nhiều cha mẹ đã để con đi một mình với sự giám sát của các cô. Việc được tự học và tự trải nghiệm không chỉ tạo niềm say mê hứng thú mà còn giúp trẻ dễ hoà nhập với cuộc sống. Đây là một tiết học kỹ năng tự lập của các bạn nhỏ lớp 4-5 tuổi, Trường Mầm non DPA với những việc làm đơn giản hàng ngày, các con đều cảm thấy rất hào hứng.
Em Vi Hồng Trâm, Trường Mầm non DPA, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Con được các cô dạy gấp chăn, tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp đồ chơi".
Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, Trường Mầm non DPA, TP Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi dạy trẻ nhiều hoạt động trải nghiệm để trẻ có sự tự lập, dạy trẻ tùy theo từng lứa tuổi; hy vọng khi về nhà phụ huynh có thể áp dụng những bài học cô giáo đã hướng dẫn trên trường, dạy trẻ tự lập khi ở nhà".
Có thể thấy, tự lập là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công trong tương lai của mỗi người. Tự lập giúp con người trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. Từ đó, trẻ cũng sẽ làm việc cẩn thận hơn, đem lại kết quả tốt nhất. Đặc biệt, khi xa khỏi vòng tay bố mẹ, có tính tự lập thì trẻ có thể tự lo cho bản thân một cách tốt nhất cũng như sớm thích nghi được mọi hoàn cảnh. Bố mẹ không thể luôn bên cạnh, lo lắng cho trẻ suốt đời, vậy nên hãy rèn cho con mình tính tự lập ngay từ nhỏ. Đây không phải công việc đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo của các bậc làm cha làm mẹ trong suốt hành trình dạy con khôn lớn./.