Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả giảm nghèo
Phú Bình thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân. |
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Phú Bình đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,8%/năm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh việc triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội, Phú Bình cũng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm có trên 20.000 tờ gấp, tờ rơi, sổ tay về chế độ, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước được ban hành. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp cũng đã được đưa đến người dân; các tấm gương điển hình, mô hình tốt về giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng đã được lan tỏa thông qua nhiều hình thức.
Bà Đào Thị Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông huyện Phú Bình cho hay: "Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông huyện Phú Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, những giải pháp, kết quả triển khai thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương; tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng như lan tỏa những gương người nghèo vươn lên trong cuộc sống trên các phương tiện truyền thông của huyện. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan thực hiện các tin, bài, phóng sự về công tác giảm nghèo của địa phương để đăng tải trên các phương tiện truyền thông của tỉnh Thái Nguyên".
Bà Chu Thị Oanh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với trẻ và học sinh nói chung, trong đó có trẻ và học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo, chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hàng năm, trong đó có nhiệm vụ phổ cập giáo dục xoá mù chữ".
Hằng năm, các ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. |
Để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông giảm nghèo ở cơ sở, hằng năm, các ngành, địa phương cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; kỹ năng tuyên truyền, làm việc với người nghèo; chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo... Thông qua hoạt động tập huấn, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ làm công tác giảm nghèo ngày càng nâng cao; các chính sách về giảm nghèo triển khai tại thực tiễn cơ sở đạt kết quả tích cực. Cùng với đó, để các mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân được thụ hưởng. Thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; trang thông tin của huyện, xã; hoặc qua các mạng xã hội như: Zalo, Facebook của xã, xóm... sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương theo đó cũng ngày càng hiệu quả.
Ông Vũ Phạm Ánh Dương, Trung tâm Viễn thông chi nhánh Phú Bình thông tin: "Chúng tôi thường xuyên quan tâm đến đời sống của các hộ nghèo; trong thời gian vừa qua, đã cung cấp sim viễn thông công ích cho hộ nghèo. Chúng tôi cũng quan tâm và trang bị thêm nhiều cơ sở hạ tầng đến các xóm, xã vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, cơ bản 100% các xóm, xã được tiếp cận với dịch vụ Internet băng rộng và sim Vinaphone".
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: "Ngoài tuyên truyền trực quan qua hệ thống truyền thông của Đảng, Nhà nước, các phương tiện thì Đại Từ còn tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn tập trung cho bà con đến tận cơ sở, đến tận hộ gia đình; bằng những việc làm cụ thể là cách tuyên truyền hiệu quả nhất".
Sự phong phú, đa dạng trong hoạt động truyền thông giảm nghèo bền vững đã góp phần tạo sức lan tỏa để mỗi người dân ở các địa phương trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Việc triển khai thực hiện hiệu quả dự án truyền thông giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã mang lại những hiệu quả đáng kể, những kết quả đó tiếp tục khẳng định hiệu quả cũng như tầm quan trọng của công tác truyền thông trong giảm nghèo bền vững. Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 bình quân từ 1%/năm trở lên; Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm, giảm 8/15 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, các ngành, địa phương của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững./.