Đầu tư cho chống ngập ở TP.HCM còn thiếu và dàn trải
Sáng nay (5/12), tại TPHCM, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM” với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Tình hình ngập nước ở TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. |
Theo các đại biểu, tình hình ngập nước ở TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Một số nguyên nhân được chỉ ra là do việc bê tông hóa, san lấp kênh rạch dẫn đến không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với biến đổi khí hậu… Ngoài ra, tình trạng san lấp ao hồ, lấn chiếm cửa xả khiến cho khoảng 20% diện tích ao hồ đã bị biến mất, làm tình trạng ngập nước của TPHCM ngày càng nghiêm trọng.
TP.HCM đã nỗ lực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 |
TP.HCM đã nỗ lực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 (quy hoạch 752), Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (quy hoạch 1547). Đến nay, thành phố đã xây được gần 4.200 km/6.000 km cống thoát nước; hoàn thành 1/10 cống kiểm soát triều, xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán chống ngập.
Trong khi đó, thành phố là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơn mưa cực đoan có vũ lượng cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước và hiện nay đã xác lập kỷ lục 1,71m.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. |
Thành phố đang lún với tốc độ từ 3- 5 cm/năm. Cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập với các cao ốc, chung cư tiếp tục mọc lên ở trung tâm thành phố… càng làm bài toán chống ngập trở nên nan giải. Đặc biệt, công tác dự báo, đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết vẫn còn chưa đạt hiệu quả cao. Ví dụ, dự báo mưa ở TP.HCM trong đợt bão số 9 vừa qua chỉ là 100 -150mm, nhưng thực tế lên đến 300mm, có nơi đến 400 mm…
Giáo sư – Tiến sỹ Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường cho biết: “Dự báo hướng đi của bão đổ bộ TP nhưng nó có vào đâu. Đây là điều may nhưng rõ ràng dự báo biến đổi khí hậu, lũ lụt, thiên tai rất quan trọng nhưng chúng ta chưa thật chính xác. Mà dự báo sai thì có nhưng cách đối phó sai lầm”.
TP.HCM đang cần khoảng 73.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020, nhưng nguồn ngân sách khó khăn nên phải kêu gọi tư nhân tham gia. Điều đáng mừng là đã có nhiều doanh nghiệp đi tiên phong như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam... Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiều dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai. Do đó, TP cần phải sử dụng nguồn vốn hợp lí, tránh dàn trải.
GS.TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi phát biểu tại Hội thảo. |
“Chúng ta ngày càng nhìn rõ ra vấn đề nhưng vấn đề rõ nhất là tiền ít quá, chúng ta chưa đầu tư được đầy đủ. Và có một sai lầm là làm dàn trải quá mà chưa tập trung dứt điểm cho xong”- Giáo sư .Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội khoa học thủy lợi, nguyên Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Nam cho biêt.
Các chuyên gia cũng cho rằng TP.HCM đang thiếu một quy hoạch tổng thể về công tác chống ngập. Thành phố cũng chưa đặt mình vào vị thế là một đô thị bán ngập triều, đô thị nằm trên vùng kênh rạch chằng chịt… để tìm cách giải bài toán này. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng ngay các hồ điều hòa ở khu vực trung tâm, tận dụng các sân vận động, công viên, làm lại hệ thống cống có tiết diện to hơn để nhanh chóng thoát nước./.