“Đánh thức” tiềm năng dược liệu
Người dân xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ phát triển cây dược liệu là cây sâm Bố Chính và Ba Kích |
Nếu như trước đây, người dân xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chủ yếu trồng sắn và ngô làm kế sinh nhai, kể từ khi tham gia HTX Nông sản và dược liệu Thiên Phúc mảnh đất khô cằn này đã được phủ kín bằng những cây dược liệu là cây sâm Bố Chính và Ba Kích.
Anh Dương Văn Huy, xóm Vân Lăng, xã Văn Lang, Đồng Hỷ cho biết: "Trước đây tôi chủ yếu trồng cây ngô với cây sắn để phục vụ gia đình và chăn nuôi nên hiệu quả cũng không cao. Khi tham gia Hợp tác xã thì được tư vấn là trồng cây sâm bố chính sẽ có hiệu quả, giá thành cao hơn, tôi cũng không phải lo đầu ra sản phẩm vì hợp tác xã đã bao tiêu sản phẩm. Tới đây tôi sẽ nhân rộng gấp đôi diện tích".
Hoạt động từ năm 2022, với 8 xã viên tham gia chủ yếu là bà con dân tộc tại địa phương. Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX Nông sản và dược liệu Thiên Phúc đã lên đến khoảng 35ha trồng ba kích, sâm Bố chính và các loại cây dược liệu khác. Ngoài dược liệu, HTX liên kết với các hộ dân nuôi 10 sào ốc nhồi, sử dụng dược liệu và ngô nghiền để nuôi gà H’Mông đen quý hiếm. Các sản phẩm của HTX được đưa ra thị trường như: bột sâm, trà sâm, cốt lẩu sâm, gà hầm sâm, panacotta và các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm…
Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông sản và dược liệu Thiên Phúc chia sẻ: "Hợp tác xã xúc tiến thương mại cho các thành viên, thu mua các sản phẩm nguyên liệu của các thành viên hợp tác xã đưa về sơ chế và chế biến, một phần hàng thô thì sẽ nhập cho các công ty dược còn một phần thì sẽ sản xuất ra các sản phẩm tại hợp tác xã luôn và sẽ phân phối qua các kênh đại lý, dần hình thành và phát triển mô hình trải nghiệm về dược liệu để là nơi tham quan trải nghiệm của các đoàn khách du lịch đến hợp tác xã tham quan trải, nghiệm và mong muốn là đưa sản phẩm OCOP nông sản của mình đến với du lịch gắn liền với du lịch cộng đồng".
Cùng với việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm của HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh, các HTX trong tỉnh cũng đã chủ động liên kết với nhau để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đặc sản của mỗi địa phương. Việc thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mai chính là quá trình minh bạch quy trình sản xuất để góp phần tiếp tục khơi thông "dòng chảy", “chắp cánh” tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng đồng bào dân tộc và phát triển nông thôn./.