Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. Tham dự Hội nghị có Đại tá Trần Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.
Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên |
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân. Ngay sau khi bão đổ bộ, Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ban hành Kết luận chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ. Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị và trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3.
Ngày 17/9 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời giải quyết các tình huống khẩn cấp. Nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng hướng về đồng bào bị bão, lũ, với tất cả “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Tại Thái Nguyên, bão số 3 khiến 8 người chết; 538 nhà ở, 93 điểm trường, 26 cầu dân sinh, 26 công trình nước sạch, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, viễn thông, điện bị hư hỏng; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở; gần 9.000ha lúa, trên 800ha hoa màu, trên 1.000 cây trồng khác bị thiệt hại; trên 380.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 560ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và nhiều thiệt hại về tài sản khác. Ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản gần 860 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với thiên tai; huy động trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng xung kích địa phương; trên 1.260 ô tô, tàu thuyền... tham gia ứng cứu, hỗ trợ; di dời trên 6.000 hộ dân đến nơi an toàn; triển khai cứu hộ, cứu nạn, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Ngay khi nước rút, công tác khắc phục thiệt hại được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và các hoạt động trở lại bình thường.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, khẳng định những mặt được và chỉ ra những hạn chế, cần rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3; các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương các Thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như: Quân đội, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Điện lực, Viễn thông phải trực tiếp ứng phó tại hiện trường; cảm ơn nhân dân đã luôn chia sẻ, đồng hành, rất ủng hộ và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước để ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. Với tinh thần “tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước”, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, cần tích cực triển khai thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 143 ngày 17/9/2024 của Chính phủ, để nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.