Đàm phán Brexit: Chính phủ Anh chấp nhận nhượng bộ hoặc bị hạ bệ
Phát biểu tại Hạ viện ngày 13/11, Bộ trưởng phụ trách đàm phán các vấn đề Brexit của Anh, David Davis cho biết: “Quốc hội Anh sẽ có quyền tranh luận xem xét, sửa đổi và bỏ phiếu thông qua thỏa thuận cuối cùng về việc Anh rời Liên minh châu Âu. Thỏa thuận này sẽ chỉ có giá trị một khi được Quốc hội thông qua”.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AP |
Tuyên bố trên được đánh giá là sự nhượng bộ rất lớn của Chính phủ Anh đối với những nghị sĩ bất đồng ý kiến trong Đảng bảo thủ và các nghị sĩ Công đảng trong bối cảnh nước Anh đang trong giai đoạn quan trọng của đàm phán Brexit.
Nó cũng diễn ra vào thời điểm Hạ viện Anh trong ngày hôm nay (14/11) chuẩn bị tiến hành thảo luận Dự luật Rút khỏi Liên minh châu Âu, trong đó Chính phủ của Thủ tướng May có nguy cơ phải chấp nhận những sửa đổi bổ sung vào dự luật.
Đây được xem là điều không hề có lợi cho Chính phủ của bà May trong quá trình đàm phán Brexit. Một mặt, Chính phủ của bà đang bị giằng xé giữa việc buộc phải chấp nhận nhượng bộ trong đàm phán Brexit để đạt được tiến bộ với các đối tác châu Âu, mặt khác vẫn phải tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ rời khỏi châu Âu mà không phải có thêm nhượng bộ nào.
Chỉ còn hơn 1 năm nữa, nước Anh sẽ phải rời khỏi Liên minh châu Âu song đến nay, nội bộ nước Anh vẫn bất đồng về việc Anh rời Liên minh châu Âu. Hiện tại, có không nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của bà May có quan điểm dừng tiến trình Brexit.
Những nghị sĩ được cho là “nổi loạn” của đảng này đang có kế hoạch bắt tay với Công đảng đối lập để gây áp lực buộc Chính phủ của Thủ tướng Theresa May phải chấp nhận những sửa đổi bổ sung vào dự luật trên nếu không tiến trình Brexit có thể bị “trì hoãn hoặc dừng lại”.
Theo tờ Sunday Times, cho đến nay đã có 40 nghị sĩ đảng Bảo thủ bày tỏ ý định sẵn sàng ký bức thư không ủng hộ nữ thủ tướng. Cho tới thời điểm này, chỉ cần 8 nghị sĩ nữa ký tên, tương lai của Thủ tướng Theresa May sẽ được định đoạt trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện./.