Đảm bảo tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ và trẻ em
Tuyên truyền tại nhà các nội dung về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ là con đường ngắn nhất giúp chị em phụ nữ nhận ra giá trị của bản thân |
Mỏ Chì - xóm đặc biệt khó khăn của xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, với 100% người dân ở đây là đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện Dự án 8, tháng 8/2023, tổ truyền thông cộng đồng xóm Mỏ Chì được thành lập với 10 thành viên. Từ đó đến nay, các thành viên của tổ tích cực tuyên truyền đưa các nội dung Dự án 8 đến gần với hội viên, phụ nữ, người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vấn đề xã hội như phòng, chống bạo lực, tảo hôn, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Chị Ngô Thị Đào, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, Võ Nhai Thái Nguyên vui mừng chia sẻ: "Ngày trước quan niệm ở đây phụ nữ chỉ ở nhà làm nương dẫy không đi học, 15 tuổi là đã lấy chồng và đẻ con mình thấy vất vả lắm, giờ có tổ truyền thông các anh chị tuyên truyền rất nhiều nội dung có ích về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ đó giúp chị em mình hiểu hơn biết cách chăm sóc bản thân cũng như con cái".
Ông Hoàng Văn Tài, Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết cách làm của địa phương trong việc tuyên truyền, vận động:"Công tác tuyên truyền của chúng tôi có thể sẽ được lồng ghép vào các cuộc họp xóm hoặc phân công cho các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng đến tận nhà, tranh thủ lúc chị em phụ nữ nghỉ ngơi sau giờ làm việc thực hiên tuyên truyền, vận động".
Cùng với mô hình "Tổ truyền thông tại cộng đồng”, hai mô hình nòng cốt khác của Dự án 8 là Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" và “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" đã được thành lập và đi vào hoạt động. Qua đó, nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, từng bước đảm bảo tiếng nói và vai trò, sự tham gia của phụ nữ, trẻ em trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chị Lê Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên khẳng định: "Chúng tôi hướng tới các đối tượng là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt các đối tượng phụ nữ và trẻ em yếu thế, gặp tình trạng bị bạo lực gia đình, chúng tôi sẽ cung cấp những địa chỉ nương tựa tin cậy, những sân chơi, các câu lạc bộ qua đó có thể tuyên truyền về kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cũng như kỹ năng sống cho trẻ em".
Bảo vệ, xây dựng kỹ năng sống cho trẻ em gái là việc cần phải làm thường xuyên, liên tục trong môi trường học đường và gia đình |
Dự án 8 được triển khai thực hiện từ cuối năm 2022, với 4 nội dung với 16 nhóm hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 159 Tổ truyền thông cộng đồng, 22 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, thành lập mới và củng cố 182 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Có 13 mô hình của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã được thẩm định phê duyệt phương án sản xuất cộng đồng và bắt đầu triển khai thực hiện… Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực, đối thoại qua đó đã tạo cầu nối giữa phụ nữ và nhân dân với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan đến các vấn đề cộng đồng quan tâm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc triển khai thực hiện Dự án 8 vẫn còn khó khăn nhất định. Một số chỉ tiêu dự ước không đạt hoặc đạt thấp so với chỉ tiêu của giai đoạn.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho biết định hướng của Hội trong thời gian tới: "Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án 8, trong năm 2024 chúng tôi sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho người dân, cán bộ điều hành dự án, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan trong hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các mô hình Dự án 8, đồng thời chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại nâng cao chất lượng các hoạt động của mô hình và tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án và thực hiện bình đẳng giới trong chương trình mục tiêu Quốc gia".
Việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn sẽ làm thay đổi một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để Hội thực hiện tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của tổ chức mình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.