Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham gia đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7. |
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030. Đại biểu cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh các nội dung của dự án cho cụ thể hơn. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, công tác giải quyết việc làm sau cai nghiện có vai trò rất quan trọng, do đó, nội dung này cần được thể hiện đậm nét trong Chương trình và được bố trí kinh phí đầu tư thỏa đáng. Đại biểu cũng đề nghị một số nội dung như: Nghiên cứu lại cách thức tổ chức các trung tâm cai nghiện để tạo môi trường vừa điều trị, vừa lao động và có các hoạt động thể thao cho người tham gia cai nghiện; bổ sung sự tham gia của Hội Liên hiệp phụ nữ trong một số Dự án của Chương trình; làm tốt công tác tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện.
Đồng tình với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị xem xét, nghiên cứu tăng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình. Đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu bày tỏ băn khoăn về nội dung giải thích từ ngữ “hóa chất nguy hiểm” và đề nghị cần quy định cụ thể về nồng độ, công năng sử dụng, đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý hóa chất nguy hiểm.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá, qua giám sát của Ủy ban Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, cũng như giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tại địa phương cho thấy, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cai nghiện và công tác đấu tranh của lực lượng chức năng trong phòng, chống ma túy tại một số đơn vị, địa phương còn thiếu và lạc hậu; công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống ma túy hiệu quả chưa cao; biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa phát huy hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 cần có các giải pháp hiệu quả để khắc phục các khó khăn, hạn chế của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Nhất trí với quan điểm của các ĐBQH trong tổ thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị cần có giải pháp đột phá, tập trung phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn cung ma tuý, đặc biệt là nguồn cung từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định tăng số lần ngắt chương trình phim truyện (đối với các phim dài từ 60 phút trở lên) để quảng cáo so với quy định hiện hành; đồng thời cân nhắc quy định việc ngắt chương trình phim để quảng cáo cho hợp lý, đáp ứng với nhu cầu của người dân./.