Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Đại gia thép hao hụt 2.500 tỷ đồng
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung những thông tin từ các lệnh trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu của 2 quốc gia này đã gây ra những ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có cổ phiếu ngành thép.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, ngành thép Việt đã chịu cú sốc lớn khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu trên 250% lên thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ngành thép một lần nữa bị nhà đầu tư quay lưng.
Ngành thép Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. |
Cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong các mã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đóng cửa tuần, HPG dừng ở mức 35.600 đồng/CP sau khi giảm 1.200 đồng/CP, tương đương 3,3% so với cuối tuần trước. HPG giảm giá khiến vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hòa Phát hao hụt 2.549 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG suy giảm, gia đình ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát mất mát nhiều nhất. Giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ giảm 641 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long giảm 186 tỷ đồng.
Mặc dù mất tiền nhưng ông Long vẫn vững vàng ở vị trí người giàu thứ 3 sàn chứng khoán Việt Nam. Còn bà Hiền đứng ở vị trí thứ 9 với khối tài sản đạt hơn 5.500 tỷ đồng. Bà Hiền đứng ngay trên bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh.
Cổ phiếu HPG suy giảm, gia đình ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát mất mát nhiều nhất. |
Trong khi đó, không phải chờ đến sắc thuế mới của Mỹ áp vào ngành thuế, cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã lao dốc. Vì vậy, nhà đầu tư không ngạc nhiên khi HSG có thêm một tuần giảm giá.
Chốt tuần, HSG dừng ở mức 10.050 đồng/CP sau khi giảm 400 đồng/CP. Đà giảm này của HSG khiến vốn hóa thị trường Tập đoàn Hoa Sen giảm 154 tỷ đồng. Là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn chứng kiến khối tài sản giảm 16,5 tỷ đồng xuống còn 520 tỷ đồng.
Với số tiền này, ông Vũ chỉ đứng ở vị trí 101 trong danh sách những nười giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đây, vị trí quen thuộc của ông Vũ là Top 10.
Công ty cổ phần Thép Pomina cũng không cưỡng được xu thế đi xuống của cổ phiếu ngành thép. Sau 5 phiên giao dịch, với mức giảm 350 đồng/CP, cổ phiếu POM chỉ còn giao dịch ở mức 15.100 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường Pomina hao hụt 65,6 tỷ đồng.
Đã từ lâu, cổ phiếu TLH của Công ty cổ phần Tập đoàn thép Tiến Lên đã không còn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Với kết quả kinh doanh yếu kém, lúc thụt lùi, lúc thua lỗ, cổ phiếu TLH thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên rất thấp.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tuần này, cổ phiếu TLH lại tiếp tục chứng kiến chuỗi ngày giảm điểm. Với 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng giá trong tuần, TLH chốt tuần ở mức 7.690 đồng/CP sau khi giảm 310 đồng/CP. Vốn hóa thị trường của Thép Tiến Lên giảm 31,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Thép Tiến Lên là người chịu mất mát nhiều nhất. Sau 5 phiên giao dịch tuần này, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Hà giảm 6,2 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hồng, vợ ông Hà chứng kiến khối tài sản bốc hơi 3,6 tỷ đồng.
Là một trong những mã có thị giá lớn nhất ngành thép nhưng tuần này, VIS của Công ty cổ phần Thép Việt Ý cũng trải qua nhiều thăng trầm. Dù tăng trong 2 phiên nhưng tính chung cả tuần, VIS vẫn giảm 650 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường Thép Việt Ý “đánh rơi” 48 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGS của Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE mất rất nhiều thời gian mới tìm lại được mệnh giá. Thế nhưng, trong tuần này, VGS đã lùi rất sát mốc 10.000 đồng/CP. Đóng cửa tuần, VGS dừng ở mức 10.300 đồng/CP sau khi giảm 200 đồng/CP. VGS khiến vốn hóa thị trường Ống thép Việt Đức VG PIPE mất 7,5 tỷ đồng./.