Cùng mùa xuân ra đảo
Đúng 17 giờ, những chiếc tàu hải quân hú hồi còi rời cảng, rẽ sóng hướng ra Trường Sa. Phía mũi tàu, những con sóng lớn dồn dập trào lên, nước bắn cả lên boong tàu.
Trung úy Vũ Đức Trung và Trung sĩ Nguyễn Văn Nhật nâng niu cây quất cảnh chuẩn bị chuyển xuống tàu. |
Hàng từ đất liền gửi tới các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa trong dịp Tết Bính Thân này có đầy đủ các nguyên liệu để chế biến thành những món ăn đúng với truyền thống ngày Tết. Ngay từ những thứ nhỏ nhất như giấy màu, hồ dán phục vụ trang trí Tết, đến chiếc lạt buộc bánh chưng... cũng được cán bộ Lữ đoàn 146 của Vùng 4 Hải quân chú ý, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo để các lực lượng làm nhiệm vụ ở Trường Sa được ăn Tết như khi ở gia đình.
Nài nỉ mãi, chúng tôi mới “kéo” được Trung tá Cao Văn Sơn, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 146 ra một chỗ để tìm hiểu về những việc đang diễn ra dồn dập trên cầu cảng. Anh Sơn tươi cười chia sẻ: “Là thủy thủ phục vụ trên tàu từ sau khi tốt nghiệp sĩ quan và từng có nhiều năm làm nhiệm vụ xây dựng công trình trên quần đảo sóng gió và bão tố này, tôi hiểu, để có được một lạng thịt bò trong mâm cỗ ngày Tết ở Trường Sa là việc không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn và phức tạp. Khó khăn là vì dụng cụ bảo quản thực phẩm đông lạnh ở các đơn vị còn rất hiếm. Những năm trước, tại quần đảo Trường Sa, chỉ duy nhất ở đảo Song Tử Tây là nuôi được bò, còn các đảo và điểm đảo khác, các lực lượng làm nhiệm vụ chỉ được biết đến thịt bò tươi khi có tàu ra cấp hàng hoặc qua... sách, báo. Ấy thế nhưng Tết này, trong mâm cỗ ngày Tết, anh em ở Trường Sa không chỉ có thịt bò mà còn có cả thịt đà điểu nữa...”.
Thịt bò, thịt đà điểu là điều đặc biệt, thế nhưng chưa phải là đặc biệt nhất. Bởi trong dịp này, ở Trường Sa còn tổ chức Tết trồng cây, phủ xanh đảo. Đây cũng được coi là việc hiếm thấy xưa nay ở quần đảo bão tố, nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu đất, thiếu nước ngọt này. Từ hơn một tháng trước, trong đất liền, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã tặng Trường Sa 255 cây tra chuyển ra đảo nhằm thực hiện công việc ý nghĩa này. Có thể nói, những điều đặc biệt trên đã khiến Trường Sa gần đất liền hơn bao giờ hết.
Binh nhì Nguyễn Tùng Dương mặt bừng đỏ, má lấm tấm mồ hôi vì vác gạo từ thùng xe tải vào tàu, nhưng trên môi thì tươi rói nụ cười vui mừng chia sẻ với chúng tôi hết sức chân tình: “Gạo nếp Bắc đóng gói, bảo quản kỹ là thế mà mùi thơm dịu vẫn cứ lọt được ra ngoài anh ạ”. Trung tá Cao Văn Sơn nói rằng, toàn bộ gạo nếp và lá dong được các cán bộ quân nhu của Phòng Hậu cần Lữ đoàn 146 đặt mua từ cơ sở dịch vụ uy tín ở ngoài Bắc, sau đó vận chuyển vào Cam Ranh để đưa xuống tàu ra đảo.
Binh nhì Nguyễn Tiến Bảo, quê Lương Sơn, Hòa Bình thì hồ hởi kể: “Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe các chú, các bác kể về Trường Sa, em mê lắm. Giờ ước mơ ấy của em đã trở thành hiện thực...”. Được biết, Bảo sẽ nhận công tác và thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông.
Ngay trên cầu cảng, 4 người trong gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Ngọc Sơn và Trung úy QNCN Lê Thị Việt cứ quấn quýt bên nhau như không muốn rời. Chị Việt cho biết: “Đây là lần thứ ba anh Sơn ra đảo công tác, chị và hai cháu (con gái học lớp 8 và con trai 4 tuổi) đợi anh ấy mãi mà vẫn chưa quen...”. Thế mới biết công sức, sự đợi chờ của những người vợ bộ đội Trường Sa lớn đến nhường nào.
Khi đề cập đến chất lượng của hàng Tết, anh Sơn vui vẻ kể: "Mọi người bán hàng cho bộ đội Trường Sa không chỉ bằng vật chất mà còn bằng tình cảm, vì vậy mà không ai nỡ làm ẩu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tổ chức tiếp nhận hàng tay ba để bảo đảm hàng đến tay bộ đội vừa đủ về số lượng, vừa tốt về chất lượng...”.
Nhìn những cây quất quả đã hoe vàng được các cán bộ, chiến sĩ cẩn thận kê chèn dưới hầm tàu, chúng tôi mường tượng ra không khí đầm ấm khi Xuân sang trên các hòn đảo thân yêu của Tổ quốc.
Theo QĐND