Con “sóng ngầm” phía sau cổ phiếu nóng
Hiện tượng này không phải hiếm hoi trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong mấy năm gần đây, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh, chặn tận gốc hiện tượng tăng vốn “ảo”, trả lại sự minh bạch cho thị trường.
Hoạt động tăng vốn “ảo” thường khiến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường |
Mục đích cơ bản của việc tăng vốn là mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những chức năng chính của TTCK và đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng thành công kênh huy động vốn này.
Mặc dù vậy, điều này không hẳn đúng với mọi trường hợp, khi mà một số doanh nghiệp sử dụng vốn huy động được chưa hiệu quả, hoặc phân bổ dàn trải sang các lĩnh vực không liên quan đến hoạt động cốt lõi, chịu rủi ro cao. Đi kèm với đó, không khó để quan sát thấy khá nhiều hiện tượng bất thường liên quan đến câu chuyện tăng vốn trong thời gian qua.
Tăng vốn, nhưng tiền thực có vào doanh nghiệp?
Theo quan sát của người viết, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp thực hiện hoạt động tăng vốn “ảo”, bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán. Theo đó, doanh nghiệp “tăng vốn” mà không cần các cổ đông lớn phải góp thêm tiền thật, hoặc số tiền góp thêm là không đáng kể. Điều đáng nói là số tiền vốn tăng thêm chỉ về mặt danh nghĩa, còn thực tế không có “tiền mới” chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc nếu có cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ví dụ, một thủ thuật đơn giản là việc cổ đông góp vốn bằng một lệnh chuyển tiền đến, ngay sau khi được ghi nhận, sẽ có lệnh chuyển tiền đi dưới hình thức đầu tư tài chính, các khoản phải thu thông qua hợp đồng thương mại... sang các công ty “có liên quan”.
Dòng tiền chạy lòng vòng, số vốn được ghi nhận góp thêm trên danh nghĩa là rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế chỉ xuất phát từ số vốn ít ỏi ban đầu và thông qua các bước trung gian được nhân lên. Ngoài ra, còn có hình thức cổ đông góp vốn bằng tài sản, tuy nhiên, giá trị tài sản có thể bị thổi phồng lên nhiều lần so với giá trị thực, làm tài sản doanh nghiệp tăng “ảo”, ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khác.
Một dấu hiệu khác để nhận biết hoạt động tăng vốn “ảo”, đồng thời cũng là điểm chung trong kế hoạch tăng vốn của các công ty này là diễn biến bất thường của giá cổ phiếu trong và sau giai đoạn tăng vốn, do các hoạt động thao túng, mua bán trao tay trên sàn.
Mục đích là để đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn, đồng thời tạo thanh khoản “ảo”, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu, nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Biểu hiện chung và dễ quan sát nhất là giá cổ phiếu biến động tăng giảm với biên độ lớn qua từng phiên, thanh khoản tăng mạnh trong thời gian ngắn và giữ ổn định ở mức cao.
Hậu quả cho nhiều bên
Đối với nhà đầu tư trên sàn, nếu tham gia đầu tư vào các công ty có hiện tượng tăng vốn ảo, khi mọi chuyện vỡ lở, hoặc chỉ đơn giản là doanh nghiệp không còn động lực giữ giá cổ phiếu (sau khi phát hành thành công, hoặc đạt được mục đích ban đầu), giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp rơi tự do, thanh khoản cũng biến mất đột ngột.
Khi đó, nhà đầu tư là những người chịu tổn thất lớn nhất. Do vậy, nhà đầu tư phải trang bị thêm cho mình kinh nghiệm và tìm hiểu thêm thông tin cơ bản về doanh nghiệp để nhận biết các dấu hiệu bất thường kể trên.
Trong khi đó, đối với các công ty chứng khoán, bên cạnh việc bị ảnh hưởng đến uy tín một cách liên đới, việc cấp margin ở mức cao đối với nhóm các cổ phiếu này còn tiềm ẩn nguy cơ mất vốn trong trường hợp giá cổ phiếu lao dốc, mất thanh khoản, không thu hồi được nợ.
Vì vậy, vấn đề quản trị rủi ro, phát hiện các cổ phiếu có biến động giá bất thường, doanh nghiệp tăng vốn ảo đi kèm các dấu hiệu thiếu minh bạch để cảnh báo nhà đầu tư và hạn chế cấp margin là việc làm cần thiết đối với công ty chứng khoán.
Trước hiện tượng doanh nghiệp tăng vốn ảo, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc phát hiện và tăng cường chế tài xử phạt, bao gồm cả hành chính và hình sự đối với các hoạt động thao túng, làm giá cổ phiếu gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thị trường nói chung và tâm lý nhà đầu tư để đảm bảo tính răn đe.
Đây là việc làm cấp thiết giúp gia tăng tính minh bạch trên TTCK, tăng niềm tin của nhà đầu tư, qua đó thu hút nguồn vốn mới và từng bước để TTCK thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế./.