Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thế nào cho hiệu quả?
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước vừa ban hành đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế.
Ảnh minh họa: KT |
Từ kinh nghiệm thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa 9 về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước", các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm mà Đảng đặt định vị doanh nghiệp nhà nước đúng chỗ
Theo các chuyên gia kinh tế thì Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận rõ vấn đề: Nếu như chúng ta không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì sẽ tạo ra ách tắc cho nền kinh tế.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chúng ta đang hoàn thiện về mặt thể chế nhà nước, tạo điều kiện phát triển đó là một tín hiệu rất tốt, rất tích cực. Riêng về vai trò kinh tế của nhà nước thì khá rộng. Cải cách kinh tế nhà nước đã được tiến hành vài chục năm nay rồi. Bây giờ đã đến giai đoạn đặt định vị cho doanh nghiệp nhà nước đúng chỗ.
Theo kế hoạch từ nay đến 2020, tỷ lệ mức độ cổ phần hóa của Việt Nam dự kiến khoảng 28 ngàn tỷ đồng. Do đó, thời gian tới, sức ép về cổ phần hóa sẽ tăng lên đối với các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện cổ phần hóa sẽ là một cơ hội hay là một nguy cơ gây thất thoát tài sản doanh nghiệp nhà nước đều phụ thuộc vào cách làm của nhà nước liên quan tới phát triển và làm lành mạnh môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 700 doanh nghiệp nhà nước, nếu tính cả doanh nghiệp có góp vốn cổ phần của nhà nước thì con số này là 2.000 doanh nghiệp.
Hiện nay có hai phương án đặt ra để thực hiện cổ phần hóa hiệu quả. Một là nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lên trở thành một tổng công ty lớn hơn và quản lý tài sản nhà nước; Hai là tạo ra cơ quan riêng biệt trực thuộc chính phủ để quản lý các doanh nghiệp nhà nước còn lại. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, làm sao một cơ quan chuyên trách của nhà nước có thể phê duyệt chiến lược kinh doanh của hơn 700 doanh nghiệp được. Đây là chuyện bất khả thi.
Do đó quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh về thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực sự hiệu quả là: Điều kiện đầu tiên để cải cách doanh nghiệp nhà nước là giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống. Nếu như doanh nghiệp nhà nước khoảng độ 15-25-30 lúc đó mô hình quản lý mới khả thi. Bước thứ hai, nhà nước theo nguyên tắc chọn bỏ. Nhà nước giữ lại từng này doanh nghiệp thôi, còn những doanh nghiệp còn lại sẽ được cổ phần hóa theo lộ trình, lúc đó mới có cơ hội cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Còn theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học Viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đối với các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn hiệu quả thì cần rà lại cơ chế, việc quản lý, tổ chức quản trị như thế nào để có hiệu quả hơn nữa. Những doanh nghiệp này nên chậm cổ phần hóa, chậm thoái vốn. Nhà nước cần đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn đối với những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, chấp nhận bán đứt, sắp xếp lại để ngăn chặn khoản lỗ. Đây là điều cần phải làm nhanh.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng: Không vội vã đi cổ phần hóa những kênh phân phối mà phải làm chủ các kênh phân phối, các hệ thống bán lẻ. Chúng ta nên cận thận và không nên đi theo những đòi hỏi của thị trường mà hết sức tỉnh táo ở đây. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp nhà nước mà phải để cho thị trường. Nhưng phải có bước đi và lộ trình để tránh thất thoát, tránh những doanh nghiệp đang sinh lời mà chúng ta lại vội vã đem bán.
Chủ trương của Đảng về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thay đổi mô hình quản trị trong loại hình doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo mô hình công ty cổ phần là mô hình tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo: Nếu chúng ta thực hiện cổ phần hóa không khéo, không đúng lộ trình và vội vã thì sẽ không đạt hiệu quả. Đáng lo ngại hơn là khi cổ phần hóa không hiệu quả sẽ xảy ra tình cảnh là sau khi cổ phần hóa xong, một loạt đại gia ra đời và nguồn tài sản gọi là sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước sẽ chuyển sang túi của tư nhân ./.