Cơ hội nào cho sinh viên ngành Giao thông vận tải trong tương lai?
Trong chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay, giao thông vận tải (GTVT) được xác định là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo đó, ngành GTVT Việt Nam đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc, đã đạt được kết quả tích cực trong việc phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng về cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân và dịch vụ lưu thông, vận chuyển hàng hoá cho các thành phần kinh tế.
Cảng hàng không quốc tế Nội bài |
Đại công trường xây dựng ở Việt Nam trong thời gian tới!
Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên khắp đất nước Việt Nam, nhiều công trình giao thông vận tải tầm cỡ, có ý nghĩa lớn đã hoàn thành như: Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam Tân Vũ – Lạch Huyện (dài 15,4 km), cầu Vĩnh Thịnh (5,5 km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50 km), Long Thành - Dầu Giây (51 km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (139 km), Long Thành - Bến Lức (58 km)), hầm Đèo Cả (4,125 km), hầm Cù Mông (6,6 km) …
Các công trình hạ tầng giao thông vận tải này đã tạo ra cơ hội thay đổi diện mạo cho nhiều vùng miền khác nhau trên khắp cả nước, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hiện nay, nhiều dự án, công trình giao thông vận tải đang và sẽ được triển khai trên khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu vận tải và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 của đất nước.
Theo đó, đến năm 2030 mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km thay vì 746 km đường cao tốc như hiện nay, trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km. Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 dài 3.183 km với quy mô 2 làn xe có nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường là 104.106 tỷ đồng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đã được chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019 và đến năm 2020 có thể xây dựng những tuyến đầu tiên có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội – Vinh hay Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang. Nhiều cảng hàng không sẽ được cải tạo và xây dựng mới như sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Lào Cai và sân bay Vân Đồn.
Cùng với việc triển khai xây dựng các trục đường cao tốc, theo quy hoạch trong thời gian ngắn sắp tới thì nhiều cầu lớn vượt sông, cầu cạn cao tốc ở nước ta cũng sẽ triển khai xây dựng, đặc biệt là nhiều công trình cầu và đường hầm đô thị đã được đưa vào quy hoạch để đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa. Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội…
Như vậy, có thể nói, tại Việt Nam trong vòng 15 năm tới sẽ là một đại công trường hạ tầng giao thông quy mô lớn trải dài khắp cả nước với nhiều dự án quan trọng.
Cầu Nhật Tân |
Cần 400.000 - 500.000 nguồn nhân lực trong ngành xây dựng
Việc xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian từ 5 đến 15 năm tới của Bộ Giao thông vận tải, Bộ xây dựng cũng như của các thành phố lớn sẽ là một cơ sở quan trọng để giúp cho các bạn trẻ có thể định hướng nghề nghiệp của mình theo ngành xây dựng công trình giao thông hay các nhóm ngành liên quan đến ngành xây dựng công trình giao thông như kinh tế xây dựng hay quản lý xây dựng.
Thông qua chiến lược phát triển giao thông vận tải như đã nêu ở trên cũng như theo kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới thì nhu cầu nguồn lao động kỹ thuật cao trong ngành xây dựng công trình giao thông sẽ ngày càng cao ở Việt Nam trong vòng ít nhất là 20 năm, thậm chí là 50 năm tới, để hướng tới hoàn thiện một hệ thống hạ tầng giao thông vận tải ổn định đáp ứng phù hợp nhu cầu của xã hội.
Dự báo từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng, trong đó có ngành xây dựng công trình giao thông mỗi năm tăng thêm 400.000 - 500.000 người.
Rõ ràng rằng cơ hội việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành xây dựng công trình giao thông và các ngành liên quan như kinh tế xây dựng hay kế toán, quản lý xây dựng là hoàn toàn sáng sủa.
Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn xây dựng sẽ phát sinh, như hợp tác thực hiện các dự án xây dựng quốc tế, như các công nghệ mới có năng lực vận hành tốt hơn, như vật liệu mới có tính năng, cường độ cao hơn, các quy trình thiết kế mới vừa đảm bảo tính an toàn nhưng đồng thời đem lại các hiệu quả kinh tế kỹ thuật.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu
Nhằm đáp ứng được các đòi hỏi như vậy và để có thể phát triển và thành công với nghề nghiệp của mình thì mỗi sinh viên và kỹ sư cần xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng để có những bước đi hợp lý ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.
Thực tế là hiện nay chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng công trình giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình địa chất phức tạp, công trình thi công trong điều kiện không thuận lợi…
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp xây dựng trong nước không cạnh tranh nổi khi đấu thầu nhiều dự án trong và ngoài nước, dẫn đến phải làm thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh và các đồng nghiệp Nhật Bản tham gia tư vấn kỹ thuật cho ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM về công nghệ đào hầm TBM để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên |
Ông Benoit Alleaume, giám đốc đại điện của Công ty Cáp dự ứng lực Freyssinet, đơn vị chuyên cung cấp và thi công các công trình cầu lớn của Việt Nam và trên thế giới nhận định: “Nhìn chung các bạn kỹ sư trẻ người Việt Nam thông minh, chăm chỉ làm việc nhưng không toàn diện, thiếu tư duy phản biện, khả năng ngoại ngữ chưa tốt, khả năng làm việc nhóm kém và thiếu kiên trì. Nhưng nếu được đào tạo bài bản ngay từ khi còn là sinh viên trong một môi trường tốt thì sẽ phát triển được hết khả năng của bản thân, toàn diện hơn và sẽ tự tin ngay từ những ngày đi khởi nghiệp kỹ sư”.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh, trưởng khoa Đào tạo quốc tế, trường Đại học giao thông vận tải tại Hà Nội cho biết, “Thiếu năng lực chuyên môn do không được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong ngành, yếu ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác do không được đào tạo trong một môi trường năng động có yếu tố quốc tế …luôn là trở ngại và thách thức lớn đối với nhiều sinh viên Việt Nam, trong đó có nhiều sinh viên ngành giao thông vận tải. Chính bởi vậy mà họ đánh mất rất nhiều cơ hội được làm việc trong các dự án lớn, các dự án có sự tham gia của nước ngoài trong khi đây chính là cơ hội lớn để nâng cao năng lực cũng như thu nhập”.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh, hiện nay một trong những nguyên nhân khiến cho một số dự án lớn của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ là do đội ngũ kỹ sư của Việt Nam không nắm bắt được công nghệ mới được chuyển giao từ nước ngoài hoặc không có khả năng làm việc tập thể cùng các chuyên gia nước ngoài do yếu về ngoại ngữ và kỹ năng mềm.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hanh, Khoa Đào tạo quốc tế - trường Đại học Giao thông vận tải