Chung tay phòng chống bạo lực giới trong môi trường học đường
"Làm mẹ bất đắc dĩ” khi đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, hay “học sinh lớp 8 có thai vì bị xâm hại”… Chúng ta có thể bắt gặp những thông tin như thế này với tần suất ngày càng nhiều hơn thời gian gần đây. |
"Làm mẹ bất đắc dĩ” khi đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, hay “học sinh lớp 8 có thai vì bị xâm hại”… Chúng ta có thể bắt gặp những thông tin như thế này với tần suất ngày càng nhiều hơn thời gian gần đây. Những sự việc đau lòng liên tục xảy ra, mà nguyên nhân là việc học sinh đang thiếu những kỹ năng, kiến thức về giới tính cần thiết. Đó cũng chính là một trong những hậu quả của vấn nạn bạo lực giới trong môi trường học đường diễn ra hiện nay. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 ca nạo phá thai, trong số đó có tới 60-70% là ở độ tuổi học sinh, sinh viên...
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho hay: "Đối với các bạn sinh viên của các trường Đại học, cao đẳng thì gặp khá nhiều vấn đề, đặc biệt là đối với các bạn nữ thì gặp khá nhiều các vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới".
Nếu chúng ta gõ tìm kiếm từ khóa “Bạo lực giới trong môi trường học đường”, Google sẽ cho chúng ta hơn 24.500.000 kết quả, điều này phản ánh mức độ đáng báo động của vấn nạn học đường này. Các hình thức bạo lực giới trong môi trường học đường rất đa dạng với các hành vi, biểu hiện rất dễ gặp nhưng nếu đối tượng bị bạo lực không được nhận thức và ngăn chặn kịp thời thì dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến sĩ Lê Phương Hoa, chuyên gia tâm lý học đường cho biết: "Hành vi bạo lực giới được thể hiện qua rất nhiều các dấu hiệu mà có thể quan sát được như: bạo lực thể chất, hành động bắt nạt, một bạn trai bắt nạt một bạn gái, ở môi trường học đường chuyện này rất là nhiều. Thứ hai là trong thời gian gần đây bạo lực trên không gian mạng, các em có thể dùng những lời nói để xúc phạm bạn nữ về mặt hình thể; khiến cho nhiều bạn nữ rơi vào tình trạng xấu hổ, thậm chí có những em không dám đến trường...".
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học. |
Với vị thế là Trung tâm giáo dục – đào tạo lớn thứ 3 cả nước, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác, xây dựng “Trường học hạnh phúc”, tạo lập môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các câu lạc bộ trong các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng kiến thức, diễn đàn chia sẻ, cuộc thi tuyên truyền “nói không với bạo lực học đường”, qua đó góp phần giáo dục ý thức, đạo đức lối sống văn hoá cho học sinh, sinh viên.
Em Chu Lâm Huy, Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chia sẻ: "Qua những tiết học về giới bình đẳng giới em hiểu được thêm về những kỹ năng mềm, có nhận thức được đầy đủ hơn".
PGS. TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên thông tin: "Trong thời gian qua, Đại học Thái Nguyên luôn quan tâm triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo, hội nghị liên quan tới ngăn chặn bạo lực về giới. Các giảng viên, các chuyên gia của Đại học Thái Nguyên tích cực tham gia vào các chương trình hoạt động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai các nội dung này và trong tương lai Đại học Thái Nguyên sẽ cam kết tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới và mở rộng các khóa đào tạo, các khóa tập huấn, nghiên cứu việc đưa các nội dung này vào các chương trình đào tạo của Đại học".
Mỗi người đều có khả năng trở thành một phần của bạo lực giới học đường. Vậy nên, trong cuộc sống này, điều đơn giản nhất là chỉ cần chúng ta đủ tự tin để chia sẻ, vẫn sẽ có người lắng nghe và giúp đỡ. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, bình đẳng và nói không với bạo lực học đường!