Chúng ta đang có sự “ngộ nhận” về PISA?
Kết quả PISA của Việt Nam khá cao so trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới. Năm đầu tiên tham gia kỳ thi PISA 2012, chúng ta đứng trong top 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm 500. So với xuất phát điểm của Việt Nam về chỉ số GDP (69/70) và HDI (70/70), Việt Nam đã làm cho thế giới rất bất ngờ.
Mới nhất, PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển. Vì sao Việt Nam nghèo mà kết quả PISA lại cao?
Việt Nam tạo nên bất ngờ khi kết quả PISA cao |
PISA - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo. Mục đích của hoạt động này hoàn toàn không phải là một cuộc thi. Nó giống như một công trình nghiên cứu và khảo sát quy mô lớn. Mục đích cuối cùng của nó không phải để đánh giá và xếp hạng năng lực giáo dục của các nước. Qua kết quả đánh giá PISA các nhà nghiên cứu muốn rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Nói cách khác PISA là một cuộc khảo sát làm căn cứ cho các nghiên cứu giáo dục.
Yêu cầu cao nhất của một cuộc khảo sát hay nghiên cứu xã hội là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, đặc biệt là không có hoạt động nào tác động làm thay đổi kết quả của mẫu trước khảo sát. Tuy nhiên ở Việt Nam đã tham gia hoạt động này với tâm thế là một cuộc thi. Đối tượng nghiên cứu của PISA là chính sách công, nhưng ở Việt Nam lại đặt đối tượng khảo sát là học sinh lên trên.
Vì thế tiến trình mà chương trình đánh giá học sinh cần phải có đó là bước 1: kiểm tra đánh giá học sinh; bước 2: nghiên cứu và thay đổi chính sách công về giáo dục. Ở Việt Nam, chúng ta lại đi ngược lại tiến trình trên đó là đưa ra các chính sách triển khai chương trình để có kết quả tốt nhất sau đó tiến hành kiểm tra đánh giá học sinh.
Kết quả cao nhưng “lộ” nhiều tồn tại của học sinh Việt Nam
Kết quả đánh giá PISA của Việt Nam tuy cao nhưng lại lộ diện rất nhiều điểm yếu mà nền giáo dục cần khắc phục. Đó là kết quả của một nền giáo dục thiên về đánh giá nội dung, học sinh rất giỏi thực hành các bài tập trong sách vở, nhưng lại thiếu kiến thức thực tế.
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT ghi rõ: Đọc hiểu của PISA là đọc và trả lời các loại văn bản, nhiều loại hình văn bản nhật dụng như văn bản hành chính, văn bản Toán học, văn bản khoa học, thậm chí vẽ hình thay vì viết câu trả lời,… Văn bản mới lạ, nhiều tình huống xa lạ không giống như ở trường GV thường ra đề. Khi không hiểu rõ câu hỏi, không hiểu rõ văn bản, thời gian trả lời câu hỏi ngắn, học sinh đã không làm chủ tốc độ làm bài và bỏ lại một số câu hỏi.
Dạy học thiên về đánh giá nội dung học sinh chỉ có thể làm tốt các bài các đề thầy cô đã luyện, thiếu kỹ năng phương pháp cần thiết, chỉ cần rời thầy cô, rời sách vở là rất khó để tự lực để giải quyết vấn đề.
Thế nên gần như tất cả các câu hỏi mang tính chất thực tế học sinh đều gác bút bỏ trống. Có một số câu hỏi Đọc hiểu học sinh mình làm không được tốt lắm. Ví dụ:
- Câu hỏi yêu cầu học sinh vẽ hành trình đi đến điểm Cực Nam của ông Musel, thì học sinh cứ viết câu trả lời, do chưa được làm quen với yêu cầu cần thực hiện dạng này. Câu hỏi này không khó, hầu hết học sinh các nước OECD làm được nhưng học sinh Việt Nam lại không làm được.
- Một số câu hỏi dạng biểu đồ, biểu bảng, học sinh Việt Nam không hiểu hết ý nghĩa hoặc không thạo việc đọc các biểu đồ, biểu bảng.
Đây là những lỗi cố hữu chỉ học sinh Việt Nam mắc phải, trong khi đó nó là điều kiện tiên quyết giúp học sinh bước ra cuộc sống làm giàu cho đất nước. Rất tiếc lỗi cơ bản này học sinh mắc phải ở cả 2 lần đánh giá PISA nội dung đọc hiểu.
Có lẽ đây chính là mấu chốt của vấn đề mà giáo dục cần có thống kê chính xác cụ thể và nhìn nhận lại. Giáo dục Việt Nam đang có những thay đổi để lấp đầy khoảng trống này khi đang dần chuyển từ dạy học đánh giá nội dung sang dạy học đánh giá năng lực, hướng tới vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Khi đó, kết quả của PISA chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn.
* Những đoạn in nghiêng được trích từ báo cáo của Bộ GD-ĐT