Chuẩn bị kỹ, sử dụng lực lượng vũ trang hợp lý trong Tổng khởi nghĩa
Sớm nhận thức trong điều kiện đất nước bị thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật thống trị, Đảng ta xác định LLVT giữ vị trí, vai trò quyết định đối với tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi mới ra đời (năm 1930), Đảng không có một đơn vị vũ trang tập trung nào "làm vốn" quân sự cho mình, mà phải từ tay không gây dựng để làm lực lượng nòng cốt cho khởi nghĩa giành chính quyền. Được Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nhân dân hết lòng ủng hộ, LLVT ta lần lượt hình thành các đội Tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ), Đội du kích Bắc Sơn, Quân du kích Nam Kỳ, các trung đội Cứu quốc quân 1, 2, 3, đến Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân… Để chuẩn bị LLVT có quy mô tổ chức lớn đón thời cơ thuận lợi tiến tới tổng khởi nghĩa, Đảng quyết định thống nhất các đơn vị vũ trang tập trung trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân, đánh dấu bước hình thành cơ bản về quy mô tổ chức của LLVT ba thứ quân, gồm: Các đơn vị Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp thành bộ đội chủ lực của Khu giải phóng Việt Bắc (sau này là cả nước); các đơn vị du kích tập trung các tỉnh, huyện chuyển thành Giải phóng quân địa phương và các đội du kích, tự vệ tổ chức ở các địa phương trong cả nước.
Lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu |
Một trong những điểm nổi bật trong nghệ thuật chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là kịp thời nắm bắt và chủ động tận dụng thời cơ để tổ chức, sử dụng LLVT làm nòng cốt cho nhân dân các địa phương tiến hành khởi nghĩa từng phần. Các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân phối hợp với du kích, tự vệ các địa phương tổ chức nhiều trận đánh, chủ yếu là tập kích có nhân mối (nội ứng) hoặc kết hợp tiến công quân sự với biểu tình của quần chúng, tạo áp lực diệt địch, nổi bật là các trận: Đồn Bàng (Kiến An), Tam Đảo (Vĩnh Yên), huyện lỵ Yên Hưng và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh)… Thắng lợi của những trận đánh này là bước tập dượt cho LLVT ta phát huy sức mạnh chiến đấu trong giai đoạn tổng khởi nghĩa.
Trước tình hình quân Nhật bại trận và đầu hàng Đồng minh, các tầng lớp trung gian hoang mang, dao động ngả theo cách mạng, cao trào kháng Nhật, cứu nước của LLVT và nhân dân ta dâng cao, Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15-8-1945) quyết định phát động tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Nắm bắt thời cơ thuận lợi, Đảng ta quyết định sử dụng các LLVT, trong đó Việt Nam Giải phóng quân và LLVT địa phương làm nòng cốt, từ các vùng nông thôn, đồng bằng, thành thị đến trung du, miền núi, từ miền Bắc đến miền Nam, nhất là LLVT ở các chiến khu: Việt Bắc (Khu giải phóng), Quang Trung (Hòa-Ninh-Thanh), Trần Hưng Đạo (Đông Triều), Vĩnh Sơn-Núi Lớn (Quảng Ngãi), các thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn…), do Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và các Đảng bộ từng địa phương lãnh đạo, chuyển từ khởi nghĩa từng phần ở địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa trên quy mô toàn quốc.
Trong quá trình tiến hành tổng khởi nghĩa, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều sử dụng LLVT kết hợp với lực lượng chính trị, giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Tùy từng địa phương, việc sử dụng LLVT kết hợp với lực lượng chính trị thực hiện với quy mô, mức độ khác nhau, trong đó LLVT làm nòng cốt, xung kích tiến công quân sự, chế áp lực lượng địch, kết hợp với sách lược mềm dẻo, cô lập và vô hiệu hóa phát xít Nhật và bọn tay sai. Còn lực lượng đấu tranh chính trị hùng hậu đóng vai trò quyết định để giành được thắng lợi. Mục tiêu tiến công của LLVT ta lúc này không còn là những đồn, bốt, châu lỵ và các vị trí khác của địch ở huyện, xã, mà là những căn cứ chính của địch, các thị xã và thành phố.
Bằng các đòn tiến công quân sự của các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân, du kích, tự vệ chiến đấu kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng, ta giành chính quyền tại các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho, Phúc Yên, Thái Bình, Khánh Hòa… Ngày 19-8, các đội tự vệ chiến đấu đã làm xung kích cho nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền. Cho đến ngày 28-8, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước cơ bản kết thúc.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thể hiện Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt chu đáo, kịp thời nắm bắt thời cơ, tổ chức và sử dụng LLVT cách mạng làm nòng cốt, xung kích, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chính trị hùng hậu của các tầng lớp nhân dân, tạo ưu thế áp đảo, khiến quân thù và các thế lực phản động không kịp đối phó, nhanh chóng tan rã, ta giành chính quyền nhanh gọn trên phạm vi cả nước.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP