Chùa Linh Phước - ngôi chùa giữ 11 kỉ lục Việt Nam
Ngôi chùa giữ 11 kỷ lục Việt Nam
Chùa được xây dựng từ năm 1949, đến năm 1990 chùa được xây dựng lại với qui mô lớn hơn nhiều lần, là công trình kiến trúc khảm sành độc đáo.
Điều tạo nên sự khác biết của chùa Linh Phước đó chính là các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Chính bởi sự khác biệt này nên chùa còn có tên gọi khác là “chùa ve chai”. Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.
Ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo. Đây cũng là điểm đến ưa thích của các phật tử, thu hút cả du khách trong và ngoài nước |
Chùa có diện tích 6.666,84 m2, chánh điện chùa dài 33 m, rộng 12 m có 2 hàng cột rồng khảm sành, bên trên là nhiều bức phù điêu khảm sành giới thiệu về lịch sử Phật Thích Ca và những điển tích trong các kinh Pháp hoa, kinh A di đà.
Bên cạnh đó, chùa còn có tượng rồng dài 49 m, rộng 1,3 m. Để tạo nên đường nét uốn lượn cho thân rồng, người ta không trạm trổ trên bê tông mà dùng đến 12.000 vỏ chai bia để làm thân rồng.
Sở hữu kiến trúc độc đáo nhất Đà Lạt nên chùa Linh Phước là một điểm đến đáng chú ý đối với du khách. Đến đây, người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy từ những mảnh sứ sắc màu của ngôi chùa. Bên cạnh đó còn là nơi tâm linh, tâm hồn người thư giãn trong chốn thiền cổ kính.
Không chỉ là chốn thiền môn, tâm linh, chùa Linh Phước còn là ngôi chùa được công nhận nhiều kỷ lục Việt Nam. Những kỷ lục được xác nhận tại chùa Linh Phước:
1. Tháp chuông cao nhất Việt Nam (36 m): tòa Linh Tháp 7 tầng cao 36 m có treo Đại Hồng Chung cao 4,3 m, miệng chuông rộng 2,33 m, nặng 8.500 kg, được đúc vào năm 1999 và cũng được xem là chuông nặng nhất Việt Nam.
Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của phật tử, du khách từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước. Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chuông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh…
2. Tượng phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam: Nằm trong quần thể công trình điện thờ 324 tượng Quán Thế Âm cao 3,7 m, và “điểm nhấn” là một tượng ở trung tâm điện cao 17 m, tượng này vừa xác lập kỷ lục tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát trong nhà bằng bê tông cốt thép cao nhất Việt Nam.
Tượng phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam. |
3. Tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
4. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử: Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm được kết bằng hoa bất tử cao 18 m, đây là một kỷ lục Châu Á được làm năm 2010.
Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử. |
Pho tượng được kết bằng 600 ngàn bông hoa bất tử do 600 phật tử và 30 nghệ nhân làm việc trong 20 ngày, hiện nay vẫn còn giữ nguyên vẹn.
5. Tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam.
6. Ngôi chùa tạo tác bằng miếng sành nhiều nhất.
7.Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam.
8. Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15 m).
9. “Song tùng bách hạc”- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam.
10. Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhật Việt Nam.
11. Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300m).
Chuyện về ánh hào quang kì lạ ở chùa
Chùa Linh Phước nằm cách trung tâm thành phố chừng 7km, trên quốc lộ 20 đường từ thành phố đi Cầu Đất. Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo, chùa Linh Phước còn xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của nhiều người.
Tại ngôi chùa này còn xuất hiện một hiện tượng vô cùng kỳ lạ và lý thú, thu hút hàng ngàn người hiếu kỳ đổ về xem. Đó là việc liên tục trong nhiều ngày, trên đỉnh bảo tháp của chùa Linh Phước xuất hiện một quầng sáng nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt.
Hiện tượng kỳ thú này xuất hiện 3 lần liên tiếp như báo trước điềm lành đang đến cùng xứ sở ngàn hoa.
Hiện tượng trên tiếp tục xuất hiện vào ngày 16 và 17.9.2009, và lần cuối cùng xuất hiện vào ngày 15.3.2009. Sự xuất hiện của hiện tượng trên theo nhiều người cho rằng, đó là vầng hào quang của Phật phát ra. Tuy nhiên, sau đó theo lời giải thích của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho rằng, thực chất quầng sáng đó là dạng cầu vồng không hoàn hảo.