Chủ tịch Quốc hội dự Lễ hợp long cầu Bạch Đằng trị giá 7.300 tỷ đồng
Sáng 28/4, tại Quảng Ninh diễn ra Lễ hợp long cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng. Đây là cây cầu dây văng thứ hai của Việt Nam được thực hiện từ khâu thiết kế, thi công hoàn toàn do kỹ sư, công nhân người Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự lễ hợp long.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sau khi tiến hành nghi lễ hợp long cầu Bạch Đằng |
Phát biểu tại lễ hợp long, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hợp long cầu Bạch Đằng, tiến tới khánh thành tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn sau 3 năm xây dựng mang nhiều ý nghĩa quan trọng; minh chứng cho chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã thành hiện thực, đó là hợp tác công-tư trong phát triển cơ sở hạ tầng thành công. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tự xây dựng đường cao tốc, sân bay, cảng tàu với sự tự chủ động, huy động đầu tư cao để phát triển cơ sở hạ tầng.
Cầu Bạch Đằng, tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn góp phần kết nối 3 trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh - 3 cực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Ông Phạm Minh Chính cho rằng, cầu Bạch Đằng, tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn góp phần quan trọng “đánh thức” và tạo lợi thế cạnh tranh của cả vùng, nhất là Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh đặc biệt là 3 huyện: Cát Bà, Quảng Yên và Vân Đồn - những nơi giàu tiềm năng nhưng chưa có cơ hội khai thác.
Cầu Bạch Đằng là dự án tầm cỡ quốc tế, có tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng, với chiều dài hơn 5,4km, vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng-sông Cấm tại điểm đầu thuộc địa phận đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh và điểm cuối tuyến thuộc quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Dự án được chia thành 8 gói thầu xây lắp, trong đó phần cầu chính dây văng dài 700m, với sơ đồ kết cấu nhịp (110 + 110m), nhịp chính vượt sông dài 240m, là một trong những cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay, bề rộng mặt cầu chính 28m cho 4 làn xe.
Sau hơn 3 năm triển khai thi công xây dựng, đến nay, các hạng mục xây lắp chính của công trình đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện hợp long đốt dầm cuối cùng nối hai bờ Hải Phòng và Quảng Ninh.
Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng thứ hai của Việt Nam được thực hiện từ khâu thiết kế, thi công hoàn toàn do kỹ sư, công nhân người Việt Nam. Đặc biệt, trụ tháp cầu Bạch Đằng có chiều cao thấp và chiều cao thông tuyến lớn do phải bảo đảm hai yếu tố: Chiều cao bảo đảm lưu thông hàng hải của tàu tải trọng lớn ra vào và chiều cao tháp bị khống chế an toàn hàng không. Do đó, việc thi công phần dầm dây văng và phần cáp dây văng rất khó, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, góc nghiêng dây văng hẹp nhất so với các cầu dây văng trên thế giới từ trước đến nay.
Cầu Bạch Đằng hoàn thành sẽ rút ngắn một nửa thời gian từ Hà Nội đến Quảng Ninh |
Cầu Bạch Đằng hoàn thành sẽ rút ngắn chiều dài quãng đường từ Hà Nội đi Quảng Ninh từ 175km xuống còn 125km bằng đường cao tốc, rút ngắn một nửa thời gian từ Hà Nội đến Quảng Ninh; đồng thời góp phần hoàn thiện huyết mạch giao thông, hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc kết nối tam giác kinh tế Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội, ba trung tâm kinh tế lớn nhất của miền Bắc, hoàn thiện tuyến đường cao tốc ven biển duyên hải Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái khi hai dự án cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và Vân Đồn-Móng Cái được hoàn thành. Cùng với hệ thống cảng biển, đường sắt và sân bay đồng bộ sẽ tạo cho Quảng Ninh một vị thế mới, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển du lịch, đưa Quảng Ninh phát triển thành vùng kinh tế lớn của cả nước.
Cũng trong sáng nay, ngay sau khi dự lễ hợp long cầu Bạch Đằng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thị sát tuyến đường cao tốc từ Bạch Đằng - Hạ Long - Vân Đồn./.