Chủ động kiểm soát các bệnh không lấy nhiễm
Bà Thanh khám sức khoẻ tại trạm y tế xã. |
Mặc dù nhà gần trạm y tế, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại xóm Trung tâm, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công rất ít khi đi kiểm tra sức khỏe. Chỉ khi bị những cơn đau đầu kéo dài hành hạ, bà Thanh mới đến trạm y tế để khám. Kết quả huyết áp của bà lên đến 184/96 bà mới giật mình lo lắng khi biết mình bị huyết áp cao và đối diện với tình trạng nguy hiểm đế tính mạng.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Xóm Trung tâm, xã Bình Sơn, TP. Sông Công cho biết: "Tôi không nghĩ huyết áp của tôi lại cao như vậy. Bác sĩ cũng tư vấn uống thuốc đều đặn, ăn uống sinh hoạt và rèn luyện sức khỏe thường xuyên để đảm bảo sức khoẻ".
Những trường hợp ít đi khám bệnh như của bà Thanh không phải hiếm gặp. Hiện nay, rất nhiều người dân còn chủ quan với bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng. Qua các đợt khám sàng lọc tại cộng đồng của ngành y tế cho thấy, có đến trên 47% người được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, trên 40% người mắc tiền đái tháo đường và gần 19% trong số đó được xác định mắc đái tháo đường typ 2. Đây là con số đáng báo động đòi hỏi ngành y tế phải có nhiều biện pháp tích cực nhằm kịp thời phát hiện và kiểm soát bệnh ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Một buổi tuyên truyền về cách phòng tránh bệnh tại xã Bình Sơn. |
Bác sĩ Ma Đình Huy - Quyền Trưởng trạm y tế Bình Sơn, Tp Sông Công thông tin: "Những bệnh nhân này hầu hết là người cao tuổi, các cụ thường chủ quan không đi khám sức khỏe định kỳ, đến lúc đi khám thì huyết áp đã lên 180, 200 là chỉ số rất cao, rất nguy hiểm. Trạm y tế đã phối hợp các ban ngành đoàn thể và y tế thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân bằng các hình thức như quan loa phát thanh của xóm, cùng với y tế thôn bản đến tận nhà để tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao".
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 50 nghìn người mắc các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư là những bệnh có số người mắc cao nhất và đang ngày một gia tăng. Mặc dù vậy, không phải tất cả bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm đều được khám định kỳ và kiểm soát bệnh. Hậu quả là rất nhiều người phải chịu những di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong do tăng huyết áp, hoặc các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như loét chi, cụt chi, mù lòa.
Bác sĩ Phạm Thị Lệ Thu - Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi thường xương tổ chức các đợt tuyên truyền với cộng đồng và tổ chức các khoá đào tạo cầm tay chỉ việc cho tuyến để có hỗ trợ về khám, phát hiện sàng lọc, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng để nâng cao nhận thức về phòng chống các bệnh không lên nhiễm trong đó có chương trình tăng huyếtt áp và đái tháo đường".
Song song với những nỗ lực của ngành y tế, thiết nghĩ, biện pháp tốt nhất đối với mỗi người là phòng tránh bệnh bằng lối sống lành mạnh, đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm từ đó kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.