Chính phủ Italy cam kết điều tra nguyên nhân vụ sập cầu
Các hoạt động tìm kiếm những người sống sót trong vụ sập cầu tiếp tục diễn ra trong đêm tại thành phố Genoa, phía tây bắc Italy.
Chiếc cầu bị sập ở thành phố cảng Genoa của Italy hôm 14/8. |
Theo số liệu mới nhất, có ít nhất 35 người thiệt mạng trong vụ tai nạn, 5 người trong tình trạng nguy kịch và dự kiến số thương vong có thể tiếp tục tăng lên khi lực lượng cứu hộ cho rằng vẫn có nhiều người bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Chính phủ Italy cũng cam kết thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ về vụ tai nạn.
Một đoạn dài khoảng 200m của chiếc cầu Morandi nằm trên tuyến đường cao tốc A10 đã bị sập và rơi đè xuống một đoạn đường ray tàu hỏa từ độ cao 100 m. Nhiều ô tô đang lưu thông đã bị rơi theo phần cầu bị sập và bị vùi trong đống đổ nát cùng với các nạn nhân mắc kẹt bên trong. Theo cảnh sát thành phố Genoa, có khoảng 20 xe bị ảnh hưởng trong vụ sập cầu này.
Theo Cơ quan bảo vệ dân sự Italy, khoảng 1.000 cảnh sát, lực lượng cứu hỏa và tình nguyện viên đã được triển khai đến hiện trường. Người phát ngôn cảnh sát Genoa Alessandra Bucci cho rằng, các hoạt động tìm kiếm kéo dài cả đêm bởi vì ông tin rằng vẫn còn nhiều người sống sót dưới đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ sẽ không từ bỏ hi vọng, tận dụng từng phút quí giá để cứu những nạn nhân đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Hàng trăm người cũng được sơ tán do lo ngại các khu vực còn lại của cây cầu có thể rơi xuống.
Bên cạnh hoạt động cứu hộ, chính quyền Italy cũng cam kết sẽ thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ về vụ tai nạn. Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli đánh giá, thảm họa này cho thấy tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng ở Italy, đồng thời nhấn mạnh "những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải trả giá".
Tổng thống Italy Sergio Mattarella khẳng định cam kết hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng và sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ. Phát biểu khi đi thăm hiện trường vụ tai nạn, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cũng cho biết:
“Đây là cây cầu được đưa vào vận hành từ những năm 1967. Vào thời điểm đó thì công trình này thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cơ sở hạ tầng khác tại Italy, nó đã được đưa vào sử dụng quá lâu và được đưa vào danh mục bảo dưỡng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải có các khảo sát, đánh giá cần thiết cùng với các cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân của vụ sập cầu, cũng như tránh các thảm họa tương tự trong tương lai”.
Nhiều nước gửi lời chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với người dân Italy sau vụ sập cầu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ tình đoàn kết với Italy, đồng thời cam kết sẽ cung cấp "mọi hỗ trợ cần thiết" sau vụ sập cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ tai nạn và tới toàn thể người dân Italy./.