Chiến sĩ biên phòng nhận chăm sóc, dạy học cho 2 em nhỏ mồ côi cha
Thượng úy Giàng A Trú (sinh năm 1987) là Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai. Anh người Mông, sinh ra tại Si Ma Cai (Lào Cai) nên hiểu rõ ngôn ngữ, văn hoá, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con nơi mình công tác.
Thượng uý Giàng A Trú (Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, Lào Cai) chăm sóc, dạy dỗ cho 2 em nhỏ mồ côi cha. |
Ngay sau khi có kế hoạch của Bộ Tư lệnh và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, Thượng uý Giàng A Trú đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành, các nhà trường trên địa bàn 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu tổ chức khảo sát cụ thể, tỉ mỉ để lựa chọn các học sinh thật sự có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ.
Sau đó, tự thân anh Trú đến từng nhà tuyên truyền cho gia đình và các cháu học sinh hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc đến trường.
“Hàng tuần, hàng tháng, tôi cùng với Đội vận động quần chúng trực tiếp xuống từng gia đình động viên cháu cháu khắc phục khó khăn đi học đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với các nhà trường kèm cặp, giúp đỡ các cháu chăm học, ngoan ngoãn nghe lời thầy cô, có động lực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Chúng tôi giúp đỡ được 19 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia chương trình “Nâng bước em tới trường”, hàng tháng mỗi cháu được nhận một số tiền và được chúng tôi kèm cặp trong học tập. Năm học 2016 - 2017, có 5 cháu đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt (trong đó có 1 cháu Sùng Seo Dế đã thi đỗ vào Trường nội trú huyện Mường Khương), 14 cháu đạt học sinh khá, trung bình khá với hạnh kiểm tốt”, anh Giàng A Trú cho hay.
Có 19 học sinh được bộ đội biên phòng địa phương đỡ đầu, chiếm 1/4 số em nhỏ trên toàn tuyến biên giới Lào Cai, trong đó 5 em do lãnh đạo Bộ Chỉ huy đỡ đầu; 10 em do công ty đóng tàu Bộ đội biên phòng đỡ đầu; Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đỡ đầu 4 em (trong đó đưa 2 em về đơn vị nuôi dưỡng).
Qua thực tế tiếp xúc, anh Trú nhận thấy các em học sinh là những đứa trẻ sống trong gia đình rất khó khăn, thiết tha được đến trường học cái chữ nhưng vì hoàn cảnh, thiệt thòi rất lớn về tình cảm gia đình. Đặc biệt là 2 em được đơn vị của anh Trú đưa về chăm sóc (em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên), nuôi dưỡng tại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu.
Em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên được anh Giàng A Trú dìu dắt. |
“Tôi đã trực tiếp đến gia đình 2 cháu gặp, làm quen và nhận là “cậu” của các cháu để được tin tưởng. Tôi phối hợp với các nhà trường sắp xếp, chuyển cho các cháu về học các điểm trường phù hợp với địa điểm đóng quân của đơn vị sao cho việc đưa đón các cháu được thuận lợi mà không ảnh hưởng tới việc học tập của các cháu. Đồng thời, bố trí các cháu được học tập ở các lớp có nhiều bạn cùng dân tộc để các cháu dễ hòa nhập cả trong học tập và vui chơi”, anh Trú kể.
Khó khăn lớn nhất mà anh Trú gặp phải khi thực hiện phối hợp với gia đình, nhà trường giúp các em được học tập đầy đủ là đơn vị 100% là nam giới, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quản lý bảo vệ biên giới đan xen nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, động viên các cháu nên có một số phương diện chưa được như mong muốn.
“Các cháu là những đứa trẻ bị thiệt thòi từ nhỏ, việc phải xa nhà, xa các bạn trong thôn bản xuống sinh sống ở Đồn Biên phòng với môi trường khác biệt, toàn người lớn không thể tránh khỏi mặc cảm, rụt rè; nếu không chăm sóc, động viên chu đáo rất dễ dẫn đến việc phát triển của các cháu. Sau khi đưa về đơn vị, bản thân thường xuyên dạy hai cháu từ việc ăn, mặc, vệ sinh, sinh hoạt theo chế độ giờ giấc trong môi trường quân đội, nhất là kèm cặp trong học tập.
Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn vì các cháu lớn lên trong cảnh mồ côi cha từ lúc mới sinh ra, không có điều kiện đến trường, không biết tiếng phổ thông. Hàng ngày, tôi đưa đón 2 cháu đi học cách đơn vị khoảng 5 cây số. Hiện nay, 2 cháu có sự chuyển biến tích cực, đã biết đọc, biết viết, biết chào hỏi, dần dần sống quen môi trường Quân đội, sống gần gũi với các chú bộ đội như người nhà; năm học 2016-2017 kết quả học tập, rèn luyện đã có sự tiến bộ rõ rệt, học lực Khá, hạnh kiểm Tốt”, anh Trú chia sẻ.
Qua việc đỡ đầu các em học sinh, anh Giàng A Trú và đơn vị mong muốn động viên kịp thời cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, có nghị lực phấn đấu tốt trong học tập, rèn luyện để sau này trở thành con người có ích cho quê hương; đồng thời trực tiếp giúp những gia đình không đủ điều kiện cho các cháu đến trường, được đến trường học đầy đủ như bao đứa trẻ khác.
“Mặc dù, bản thân tôi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chức trách nhiệm được giao và thực hiện thêm chương trình “Nâng bước em tới trường” là khá vất vả nhưng tôi rất tự hào vì hơn 1 năm thực hiện chương trình, cả 19 cháu học sinh đều có sự tiến bộ rõ rệt cả về học lực và rèn luyện, có hướng phấn đấu tốt. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực, đúng theo mục đích, ý nghĩa cao cả của chương trình; thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với các nhà trường động viên kịp thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cháu phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, góp phần quan trọng trong việc phát huy vai trò, uy tín của Bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới trong thời kỳ mới”.