Chỉ thầy thuốc biết thuốc nào tốt!
Sử dụng nhiều, giá trị không đáng bao nhiêu
Tại buổi làm việc, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết, so với thời điểm trước khi thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước (tính theo giá trị) đã tăng 2 - 7% trong 3 năm qua. Hiện tuyến tỉnh là 35%, ở tuyến huyện đạt cao nhất 68%.
Chủ tịch Mặt Trận Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động người Việt dùng thuốc Việt. Ảnh: H.Hải |
Tuy nhiên, tại bệnh viện (BV) tuyến Trung ương, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước còn thấp, chỉ đạt khoảng 11%. Thậm chí, một số bệnh viện tuyến cuối như BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới Trung ương, BV Lão khoa Quốc gia, do đặc thù riêng, tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước chỉ dưới 5%.
Cùng với đó, thuốc sản xuất tại Việt Nam được dùng mới chỉ tập trung ở một số ít nhóm thuốc đơn giản, có số lượng nhiều nhưng giá trị thấp (14 tỷ/200 tỷ trong tổng giá trị tiền thuốc sử dụng ở bệnh viện năm 2015; 14 tỷ/203 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2016).
Như tại BV Nhi Trung ương, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV cho biết, tại BV, số danh mục thuốc sản xuất trong nước hàng năm đều tăng (từ 19,2% lên 21,1% trong giai đoạn 2014 - 2016) nhưng giá trị thấp.
Ông Hải lý giải, BV Nhi Trung ương là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhi chuyển lên đây hầu hết đã sử dụng các loại thuốc đắt tiền nhất ở tuyến dưới mà không khỏi. Vì thế, việc phải dùng các loại thuốc đặc trị nhập từ nước ngoài là khó tránh. Để hạn chế việc này, hàng tuần, tại viện đều có bình đơn thuốc, rồi sẽ hình thành quy chế, phác đồ chuẩn trong việc điều trị. Bệnh nào thuốc đó để hạn chế sử dụng thuốc đắt tiền, không lạm dụng việc kê đơn thuốc trong việc điều trị nội trú cũng như ngoại trú.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng thuốc Việt trong bệnh viện, ông Hải đề xuất, Bộ Y tế cần tạo cơ chế thuận lợi trong công tác đấu thầu với các nhà sản xuất trong nước. Còn bệnh viện sẽ tạo thuận lợi tối đa cho những thuốc Việt được chứng minh chất lượng.
Cần tập trung chứng minh chất lượng thuốc
Đại diện một doanh nghiệp dược lớn trong nước cho biết, con đường vào bệnh viện của thuốc Việt còn gian truân dù đã trải qua sự đánh giá gắt gao của Bộ Y tế, các nhà khoa học về chất lượng sản phẩm, bán lẻ thì rất tốt nhưng vẫn rất khó vào bệnh viện công. Vị này cũng đặt câu hỏi với Cục Quản lý Dược về lý do tại sao thuốc Việt bán lẻ được mà lại khó vào bệnh viện.
Theo ông Cường, thực tế tỉ lệ sử dụng thuốc Việt trong bệnh viện đang ngày càng tăng tại BV tuyến Trung ương. Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc (về giá trị tiền thuốc sử dụng). Hầu hết các cơ sở y tế hiện nay sử dụng các sản phẩm trang thiết bị y tế sử dụng một lần sản xuất trong nước vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh... Mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm.
Thuốc Việt sử dụng trong bệnh viện đang tăng lên, nhưng giá trị vẫn thấp bởi là những thuốc đơn giản. Ảnh: H.Hải |
Cùng trả lời về vấn đề này, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, đều có quy định ưu tiên thuốc Việt như trong nhóm thuốc 3, các thuốc cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, thuốc các nước khác không được vào. Thuốc Việt có thể dự vào nhóm 5 (nhóm cùng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc cao hơn) nếu đạt tiêu chí.
“Nếu thuốc Việt không cập nhật, không liên doanh liên kết sản xuất thuốc chất lượng cao, có đưa tỉ lệ cao, không đáp ứng quyền lợi người bệnh, thầy thuốc có kê cũng khó khăn. Khâu này doanh nghiệp phải tiếp cận liên doanh liên kết. Thuốc gia công của nhà sản xuất nước ngoài đặt hàng VN, có thêm lộ trình chuyển giao công nghệ 100% thì cũng được xếp vào nhóm châu Âu, Nhật, Mỹ. Đây cũng là hình thức khuyến khích nâng cao chất lượng”, vị này cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, chủ trương khuyến khích dùng thuốc Việt đã được pháp quy hóa chứ không chỉ dừng lại ở vận động, thuyết phục, khuyến khích. Luôn có chủ trương ưu tiên thuốc nội, nhưng làm thế nào để đấu thầu được nhưng lại không vướng vào WTO.
Bên cạnh đó, còn hạn chế là chỉ có 11/24 BV Trung ương được lãnh đạo bệnh viện quan tâm, chỉ đạo sát sao và đã xây dựng một số chính sách chỉ đạo cụ thể trong đấu thầu thuốc nội.
Ông Cường cho biết thêm, thời gian tới sẽ bổ sung một vài chính sách, ưu tiên chứng minh chất lượng thuốc. Bởi hiện nay, với thuốc Việt, BS đang lo về hiệu quả điều trị. “Chúng ta sẽ tập trung vào chứng minh chất lượng thuốc, bổ sung thêm chính sách khả thi tỷ lệ thuốc Việt sẽ tăng”, ông Cường nói.
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp và hỗ trợ Hội Dược học Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam thực hiện khảo sát, đánh giá “Chuỗi thuốc Việt” từ sử dụng đến sản xuất, từ đó đưa ra những kiến nghị về chính sách để đẩy mạnh cuộc vận động dùng thuốc Việt.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, việc vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt. Với cá nhân ông, nếu giá tương đương, chất lượng tương đương, ông sẽ chọn hàng Việt.
Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc thù, không như chiếc ô tô có thể biết hãng nào tốt. “Với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt hơn, mà hoàn toàn phụ thuộc vào thầy thuốc. Người bệnh không nghe người bán hàng, mà nghe thầy thuốc”, ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” là một sáng kiến tốt, vì thế cần có những chính sách phù hợp để thuốc tốt vào được bệnh viện nhiều hơn. Để thực hiện đề án Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, ngành y tế cần làm từng bước, cần có chính sách, kế hoạch triển khai, truyền thông.
“Những chính sách gì vượt khỏi tầm của Bộ Y tế chúng tôi sẽ tiếp thu và bàn bạc sau”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.