Thuốc giả còn là vấn nạn của ngành dược
Trong quý I năm 2018, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã công bố danh sách 51 cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó có tới 38 cơ sở vi phạm đến từ các công ty dược của Ấn Độ; 3 cơ sở của Pakistan; 3 cơ sở của Hàn Quốc; 2 cơ sở của Mỹ; 1 của Nga; 1 của Bangladesh; 1 của Trung Quốc; 1 của Canada và 1 của Trung Quốc.
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn của ngành dược |
Sau khi nhận được công văn từ Cục quản lý Dược, ngày 12/4, Sở Y tế TPHCM đã chính thức công bố các thông tin liên quan và chỉ đạo các cơ quan thanh tra, quản lý dược, kiểm nghiệm thuốc thuộc sở tiến hành kiểm tra giám sát chất lượng theo các quy định về kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu lưu hành trên địa bàn.
Quản lý các mặt hàng dược phẩm hiện đang là thách thức lớn với nhiều lỗ hổng đang tồn tại. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học, TPHCM cho hay: từ năm 2007 chủ trương áp dụng thực hành tốt nhà thuốc đối với tất cả các nhà thuốc bán lẻ trên khắp cả nước được áp dụng. Sau 11 năm trên địa bàn TPHCM đã có 7.100 nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Bên cạnh đó, hệ thống nhà thuốc chuỗi cũng đã hình thành và phát triển với tiêu chí đảm bảo giá cả, chất lượng thuốc cho toàn bộ hệ thống, tạo đột phá theo xu hướng phát triển của thể giới để giúp người bệnh sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý.
Ngoài những tồn tại trong công tác quản lý chất lượng thuốc ở cấp vĩ mô khiến “con voi chui lọt lỗ kim” thì quá trình phân phối thuốc đến tay người dân muốn bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả còn nhiều thử thách. Theo PGS Phong Lan, hiện nay các vấn đề về thuốc giả, mua bán không hóa đơn chứng từ, bán thuốc thuốc tự do không có ý kiến của bác sĩ đang tồn tại và còn là vấn nạn của ngành dược.
PGS Phong Lan cho biết, với tư cách là Đại biểu Quốc hội bà sẽ tiếp tục có những đóng góp để thay đổi mô hình quản lý theo hướng tập trung và phát huy được vai trò của các hội nghề nghiệp, tính chủ động, tự giác của người dược sĩ, gắn lợi nhuận của ngành dược với trách nhiệm xã hội.