Trong báo cáo mới phát hành, S&P Global Market Intelligence cho biết trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam chỉ đạt 45,3 điểm, mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số PMI rớt dưới mốc 50 điểm.

S&P Global Market Intelligence nhận định ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm.

Theo các chuyên gia, việc chỉ số PMI trong tháng 4 giảm xuống 46,7 điểm và đến tháng 5 tiếp tục rớt mạnh còn 45,3 điểm đã phản ánh việc các nước lớn trên thế giới đang đối diện với kinh tế suy thoái. Người dân đã phải tiết kiệm chi tiêu để đối phó với tình trạng khó dự đoán trong tương lai.

Việt Nam vốn là nền kinh tế có độ mở lớn và tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh trong nhiều năm qua. Trước tình hình trên, việc các nước giảm mua hàng đã tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Một số công ty giảm số lượng nhân viên do khối lượng công việc giảm.

Giới chuyên gia nhận định, để ngành sản xuất Việt Nam phát triển cần phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới còn nhiều tiềm năng. Thị trường nội địa phải tăng kích cầu thông qua giảm thuế phí, hạ lãi suất, tăng cung tiền.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh doanh S&P Global Market Intelligence, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 đã gây lo ngại lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái kéo dài chứ không phải là một giai đoạn tạm thời.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng các công ty sẽ phục hồi trong giai đoạn tới khi có những chuyển biến kinh tế tích cực hơn trên toàn cầu./.